Brand Identity là gì? Vai Trò và Yếu Tố Thành Công Của Bộ Nhận Diện Thương Hiệu

bởi | 01/12/2023 | Branding, Level B


Tôi là Trịnh Đức Tuấn, hiện là Social Media Leader tại ABC Digi, tôi có hơn 4 năm kinh nghiệm làm trong ngành digital marketing.Trong quá trình làm việc, mình đã đồng hành và thử sức trong việc tạo Brand Identity cho nhiều doanh nghiệp.

Bài viết này với mong muốn chia sẻ đến các bạn những kiến thức về Branding Identity do mình đúc kết được từ trải nghiệm 3 năm làm nghề và có tham khảo từ nhiều nguồn uy tín trong, ngoài nước. Khi nắm rõ các yếu tố cũng như vai trò của Brand Identity bạn có thể giúp doanh nghiệp truyền tải được giá trị cốt lõi đến với khách hàng, khẳng định sự uy tín và niềm tin về dịch vụ, sản phẩm của mình hơn.

Brand Identity là gì?

Brand Identity là gì? 

1. Khái niệm về brand identity

1.1. Khái niệm

“Đây là hãng lâu năm, nên mua của hãng này”, “đây là hãng được nhiều người dùng giới thiệu”, “đây là hãng uy tín, nên sử dụng sản phẩm của hãng đó”,… Có lẽ những câu trên không hề quá xa lạ bởi đó chính là thói quen mua sắm hàng ngày của chính chúng ta. Vậy nên, nói không ngoa khi thương hiệu của bạn là một trong những yếu tố quyết định sự lựa chọn khi mua hàng của người tiêu dùng, sự tăng trưởng của doanh thu cũng như sự phát triển của doanh nghiệp.

Vì vậy đối với mỗi doanh nghiệp mà nói, xây dựng thương hiệu là một trong những điều quan trọng nhất phải có. Và brand identity (bộ nhận diện thương hiệu) là yếu tố cần thiết để hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.

Brand identity (bộ nhận diện thương hiệu) là tất cả những yếu tố như tên thương hiệu, logo, tagline, giọng điệu nội dung, phong cách nội dung,… mà doanh nghiệp tạo ra để xây dựng nên một bức chân dung hoàn chỉnh, một hình ảnh đúng đắn của bản thân doanh nghiệp cho khách hàng của mình. Các yếu tố này có thể nhìn thấy trực quan hoặc cảm nhận thông qua sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp và con người.

Ví dụ: Vietjet air đã sử dụng rất nhiều yếu tố để xây dựng nên một hình ảnh trong mắt khách hàng một Vietjet trẻ trung, năng động, mới mẻ, đột phá, một hãng hàng không giá rẻ, phục vụ cho tất cả mọi người trong xã hội, rút ngắn khoảng cách địa vị trong xã hội, vui vẻ, bình đẳng,…

Brand Identity của Vietjet air

Brand Identity của Vietjet Air 

1.2. Sự khác biệt giữa brand identity và brand image

Có một sự thật là nhiều người trong chúng ta bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm brand identity (nhận diện thương hiệu) và brand image (hình ảnh thương hiệu), nhất là những người ngoài ngành và những tân binh mới vào nghề. Hai thứ này có vẻ giống nhau nhưng thực tế lại không hề giống nhau đâu.

Brand identity (nhận diện thương hiệu) Brand image (hình ảnh thương hiệu)
Là cách mà doanh nghiệp muốn khách hàng nhận thức về mình Là nhận thức của khách hàng về doanh nghiệp
Về bản chất, brand identity là do doanh nghiệp chủ động thiết lập hình tượng đối với khách hàng Brand image là bị động, cái này không nằm trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp
Gồm các yếu tố như logo, tên thương hiệu, tagline, giọng điệu, phong cách,… Bao gồm các yếu tố thương hiệu và sự liên tưởng thương hiệu với khách hàng trong khách hàng
Phụ thuộc nhiều vào cách nó được thể hiện bởi doanh nghiệp Chủ yếu dựa trên trải nghiệm và cảm nhận của khách hàng với thương hiệu
Đại diện cho khát vọng, lời hứa của một doanh nghiệp Đại diện cho quan điểm, nhận thức của khách hàng về doanh nghiệp

 

Xem thêm:

2. Vai trò của brand identity với doanh nghiệp

Truyền đạt giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp

Bộ nhận diện thương hiệu mạnh mẽ sẽ giúp doanh nghiệp truyền tải được giá trị cốt lõi đến với khách hàng, khẳng định sự uy tín và niềm tin về dịch vụ, sản phẩm của mình đối với khách hàng.

Giúp doanh nghiệp được nổi bật trên thị trường

Có một bộ nhận diện thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng được nhận biết trong tâm trí khách hàng. Ngày nay, ngoài để ý đến sản phẩm, người tiêu dùng còn để ý xem nó của hãng nào, có đảm bảo uy tín và chất lượng hay không, hoặc nếu đó là một thương hiệu hoàn toàn mới, người tiêu dùng sẽ để ý xem nhận diện thương hiệu đó có đủ thu hút và khiến họ tin tưởng hơn so với những nhãn hàng khác hay không đấy.

Giữ chân khách hàng tiềm năng

Một bộ nhận diện thương hiệu chỉnh chu và chuyên nghiệp sẽ giúp khách hàng có thiện cảm, niềm tin và sự trung thành đối với khách hàng của bạn, biến thương hiệu của bạn thành sự lựa chọn ưu tiên trong lòng người tiêu dùng.

Ví dụ như bản thân mình mỗi khi muốn mua thiết bị công nghệ thì sẽ luôn xem xét và ưu tiên với các sản phẩm của Apple vì brand identity của Apple làm mình cảm thấy tin tưởng.

Hỗ trợ đội ngũ nhân viên bán hàng

Brand identity là cánh tay đắc lực trong việc hỗ trợ nhân viên bán hàng truyền đạt trọn vẹn ý nghĩa của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đến với khách hàng.

Đem lại giá trị và lợi nhuận cho doanh nghiệp

Brand identity thành công giúp khách hàng có cái nhìn tốt về doanh nghiệp, giúp đối tác cũng như các nhà đầu tư ấn tượng hơn. Qua đó thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của thương hiệu.

Xem thêm:

3. Có thể thay đổi được brand identity không?

Thông thường, brand identity không nên thay đổi bởi để có thể xây dựng được một brand identity mất rất nhiều thời gian và công sức. Muốn thay đổi sẽ phải mất rất nhiều thời gian và cũng không thể chắc chắn có thể tốt như bạn đầu vì khách hàng đã quen với brand identity cũ. Có những trường hợp xấu là khách hàng không nhớ được nhận diện thương hiệu mới của bạn.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp thì vẫn có thể thay đổi ví dụ như thay đổi ngành nghề kinh doanh hoặc thay đổi để phù hợp hơn với chiến lược, tầm nhìn và sứ mệnh mới của doanh nghiệp.

Ví dụ: ngày 7/1/2021, Viettel đã tái định vị thương hiệu với bộ nhận diện gồm logo và slogan mới để phù hợp với sứ mệnh mới là “tiên phong kiến tạo xã hội số”.

Viettel thay đổi brand identity

Viettel thay đổi brand identity khiến nhiều người vô cùng bất ngờ

4. Brand identity gồm những gì và chìa khoá tạo nên một brand identity mạnh mẽ

4.1. Brand identity gồm những gì?

Brand identity gồm những gì là câu hỏi mà mỗi doanh nghiệp đều đang tìm câu trả lời để có thể thực hiện cho nhận diện thương hiệu của mình. Tuy nhiên, câu hỏi này lại không có một câu trả lời nhất quán nào bởi các doanh nghiệp không giống nhau thì các yếu tố nhận diện thương hiệu cũng khác nhau.

Và dưới đây là một số yếu tố của brand identity:

  • Logo: thường thì mỗi doanh nghiệp chỉ cần một logo. Tuy nhiên, bạn nên có những phiên bản thay thế cho những trường hợp đặc biệt như thay đổi màu nền, định dạng,…

Brand identity - Phiên bản thay thế cho logo để sử dụng trong những trường hợp đặc biệt

Phiên bản thay thế cho logo để sử dụng trong những trường hợp đặc biệt

  • Đồ dùng văn phòng: danh thiếp, phần đầu đề thư, thư cảm ơn, đầu trang và chân trang newsletter, chữ ký email, tem, báo giá, hoá đơn,…

Đồ dùng văn phòng cũng là một phần của brand identity

Đồ dùng văn phòng cũng là một phần của brand identity

  • Phương tiện truyền thông xã hội: cần thống nhất màu sắc, phong cách, font chữ,… trên tất cả nền tảng truyền thông như Facebook, instargram, twitter, pinterest,…
  • Hình ảnh: mỗi bức ảnh đăng tải trên mọi phương tiện truyền thông hay ấn phẩm truyền thông cũng nên gắn liền với phong cách của doanh nghiệp.
  • Đồ hoạ trang web: thanh sidebar (thanh bên), liên kết sidebar (thanh bên), banner, hình ảnh đại diện của bài đăng trên blog, hình ảnh các danh mục, icon trên mạng truyền thông xã hội.
  • Sản phẩm, dịch vụ, content marketing và các tài sản khác: infographic, catalogue, lookbook, tài liệu quảng cáo, poster, standee, quảng cáo online, quảng cáo offline, túi goodie (dùng để đựng quà tặng, tài liệu để phát cho khách tham dự trong các buổi hội thảo, triển lãm,…),…
  • Bao bì: Hộp, túi, thẻ, stickers, nhãn, phong bì,…

Brand Identity - xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trên bao bì

Brand Identity – xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trên bao bì

4.2. Chìa khóa tạo nên một brand identity mạnh mẽ

Thực tế, hầu như các bộ nhận diện thương hiệu đều bao gồm những yếu tố mà mình đã nêu trên. Nhưng tại sao lại có những thương hiệu vô cùng nổi bật, được tôn thành nghệ thuật trong khi có nhiều brand identity lại mờ nhạt không thấy tăm hơi?

Nếu bạn cũng nghĩ đến vấn đề này thì bạn nên lưu ý những chìa khoá để có thể tạo nên những brand identity mạnh mẽ này:

  • Sự khác biệt: Bạn khó có thể trở nên “độc nhất vô nhị” thời bây giờ nhưng để trở nên khác biệt so với số còn lại thì không hề quá khó. Sự khác biệt giúp bạn nổi bật trên thị trường, cũng sẽ giúp khách hàng của bạn không thể nào nhầm lẫn bạn với bất kỳ ai.
  • Dễ nhớ nhưng lại tạo ra tác động trực quan: ví dụ đơn giản như Apple, nếu bạn tháy bất kỳ hình ảnh một trái táo cắn dở trên thiết bị công nghệ đều sẽ liên tưởng ngay đến Apple. Đó là một dạng hình ảnh trực quan mà không cần dùng chữ.
  • Mở rộng và linh hoạt: brand identity có thể phát triển theo thời gian cùng với thương hiệu mà không phải tái định vị thương hiệu nhiều lần.
  • Tính liên quan và kết nối: thông qua mỗi phần đều bổ sung thêm vào bản sắc thương hiệu
  • Dễ áp dụng: Ứng dụng tính trực quan để các nhà thiết kế dễ sử dụng

5. Làm thế nào để xây dựng bộ nhận diện thương hiệu?

Để xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mạnh mẽ, gắn kết và nhất quán sẽ áp dụng 4 bước cơ bản sau:

Bước 1: Nghiên cứu xây dựng thương hiệu

Muốn sở hữu một bộ nhận diện thương hiệu thì bước đầu tiên chúng ta phải xây dựng thương hiệu của chính mình trước. Cũng như để người khác biết đến mình thì bản thân mình phải tồn tại trước nhất.

Sau đây là 4 bước cơ bản để tạo dựng thương hiệu:

  • Bước đầu tiên – nghiên cứu đối thủ, khách hàng và bản thân, xác định vị thế cạnh tranh:  Bước này, bạn phác thảo chân dung khách hàng mục tiêu của bạn dựa trên các thông tin về nhân khẩu học, nghiên cứu các công ty đối thủ để rõ hơn về thị trường cũng như có thể học hỏi thêm từ họ, tiếp xúc với nhóm khách hàng mục tiêu để tìm ra nhu cầu cũng như insight của khách hàng.

Brand identity - biết địch biết ta trăm trận trăm thắng

Brand identity – biết địch biết ta trăm trận trăm thắng

  • Bước thứ hai – xác định POD (point of different) và USP (unique selling point): Sau khi hoàn thành bước thứ nhất, bạn biết được đối thủ của mình cũng như insight của khách hàng. Vậy bước này, thông qua những thông tin trên, bạn có thể cho khách hàng biết sự khác biệt của bạn và lí do họ nên chọn bạn thay vì đối thủ.
  • Bước thứ ba – xác định mẫu và tính cách thương hiệu: Nhân hoá thương hiệu bằng cách thêm vào đó một tính cách sẽ khiễn khách hàng ấn tượng và nhớ về bạn một cách dễ hàng hơn. Tính cách thương hiệu có thể dựa trên tính cách của nhóm khách hàng mục tiêu.
  • Bước cuối cùng – tạo tuyên ngôn thương hiệu: Một tuyên ngôn hiệu quả sẽ giúp cho khách hàng nhớ đến bạn và sản phẩm của bạn.

Bước 2: Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu

Sau khi phân tích công ty và phân tích thị trường, kết quả thu được sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong bước thiết kế brand identity.

Trong bước 2 này, bạn sẽ phải thiết kế những thứ như:

  • Logo: đây là thứ không thể thiếu của mỗi một thương hiệu.
  • Bảng màu
  • Brand guidelines

Thiết kế brand Identity

Thiết kế logo, bảng màu, brand guidelines,… cho brand identity 

Bước 3: Tích hợp nhất quán

Tích hợp với ngôn ngữ nhằm kết nối và đảm bảo tính nhất quán xuyên suốt quá trình truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

  • Sử dụng ngôn từ và giọng điệu phù hợp với tính cách thương hiệu
  • Kết nối ngôn từ với cảm xúc của người dùng thông qua những câu truyện tạo ra cảm xúc.
  • Quảng cáo trên cả hai mặt trận online và offline để nhân rộng khả năng tiếp xúc tới khách hàng mục tiêu.
  • Thiết lập brand identity thông qua tương tác với khách hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

Bước 4: Giám sát thương hiệu

Tất cả mọi thứ chúng ta làm đều cần được đo lường hiệu suất để biết nó có tốt hay không, chỗ nào tốt thì tiếp tục phát huy và chỗ nào chưa tốt thì điều chỉnh ngay tức khắc, tránh gây thiệt hại nặng nề cho thương hiệu.

gga

Hiện nay có rất nhiều công cụ có thể hỗ trợ trọng việc đo lường hiệu suất như google analytics, … 

6. Các lỗi cần tránh khi làm bộ nhận diện thương hiệu

Không nên truyền tải quá nhiều thồng điệp cùng một lúc hoặc thông điệp không rõ ràng đến khách hàng. Khi truyền tải thông điệp hãy cụ thể hoá thông điệp đó để khách hàng dễ hình dung và không bị lầm tưởng hoặc nhầm lẫn giữa các thông điệp khác hoặc tệ hơn là với đối thủ khác.

Không nên sao chép của đối thủ. Khách hàng ngày nay đều là những nhà thông thái, họ có thể biết được bạn đang sao chép của ai đấy.

Không nên thiếu sự nhất quán trong quá trình truyền thông. Cho dù là online hay offline, bạn phải tạo ra được sự đồng nhất về màu sắc, chủ đề, thông điệp,… để khách hàng không bị phản cảm và nhầm lẫn.

Xem thêm:

7. 4 tips để tăng độ nhận diện thương hiệu nhanh nhất

7.1. Thiết kế logo, slogan phải gây ấn tượng mạnh

Logo và slogan không nhất thiết phải quá cầu kỳ, chỉ cần đơn giản nhưng phải độc, lạ và dễ nhớ để khách hàng không chỉ không bị nhầm lẫn thương hiệu của bạn với bất kỳ ai khác mà còn nhớ như in thương hiệu của bạn ngay từ đầu.

Ví dụ như:

Viettel - hãy nói theo cách của bạn

“Hãy nói theo cách của bạn” – Viettel 

Cà phê Trung Nguyên với slogan "Khơi nguồn sáng tạo"

 “Khơi nguồn sáng tạo” – cà phê Trung Nguyên 

 “Just do it” – Nike,… 

 “Just do it” – Nike,… 

7.2. Tương tác cá nhân hoá

Khách hàng sẽ càng nâng cao vị trí của bạn trong lòng họ nếu như họ cảm nhận được sự gần gũi, quan tâm thân mật của bạn đối với họ. Bạn có thể tương tác với từng khách hàng như gửi email, tin nhắn chúc mừng sinh nhật, hoặc đơn giản hơn là nhiệt tình và tận tâm trong việc giải đáp thắc mắc, hỗ trợ khách hàng để họ cảm thấy đang được quan tâm đặc biệt.

Có một ví dụ vô cùng điển hình về việc tương tác cá nhân hoá với khách hàng mà mình luôn nhớ mãi đó là một chiến dịch marketing của Coca-Cola – chiến dịch in tên riêng lên vỏ lon Coca.

Chiến dịch khắc tên riêng vô cùng đặc biệt cũng như ý nghĩa của Coca Cola

Chiến dịch khắc tên riêng vô cùng đặc biệt cũng như ý nghĩa của Coca Cola

7.3. Chiến lược Marketing đa kênh

Một điều không thể phủ nhận trong thời đại số hoá ngày nay là số lượng người tiếp cận và sử dụng mạng internet ngày càng nhiều, số các kênh giải trí cũng theo nhu cầu đó mà ngày một tăng lên. Vì vậy, để có thể tiếp xúc tới càng nhiều khách hàng, doanh nghiệp phải phát triển hệ thống truyền thông, các công cụ quản lý mạng xã hội, đội ngũ seeding và tạo ra những câu chuyện gây ấn tượng mạnh mẽ xoay quanh thương hiệu để mọi người chú ý, bàn tán và chia sẻ. Đồng thời giữ kết nối với khách hàng tiềm năng của mình.

Brand identity - xây dựng đa kênh để tiếp cận khách hàng

Brand identity – xây dựng đa kênh để tiếp cận khách hàng một cách tối ưu nhất 

7.4. Đầu tư cho quảng cáo

Ngày nay, nếu bạn không đầu tư quảng cáo thì đó thật sự là một khó khăn lớn để bạn khiến khách hàng biết đến và nhớ đến thương hiệu của bạn. Và nhắc đến quảng cáo thì không thể không nói đến vị vua không ngai – Content. Có hai loại content thường được nhiều nhãn hàng sử dụng là content dưới dạng video và nội dung tương tác:

  • Quảng cáo bằng video: Là dạng nội dung đánh trực tiếp vào thị giác, thính giác và xúc giác của khách hàng thông qua hình ảnh, âm thanh, màu sắc, câu chuyện,… Tuy nhiên, có người dẫn đầu thì cũng sẽ có nhiều người khác theo sau học hỏi, vì vậy, nếu muốn thương hiệu của bạn được nhớ tới thì những video này phải lôi cuốn, hấp dẫn, gây được ấn tượng mạnh với khán giả.

Một trong những ví dụ điển hình cho sự thành công trong việc quảng cáo bằng video chính là Điện máy xanh. Chắc hẳn đến bây giờ mọi người vẫn còn ám ảnh trong đầu những câu hát “Bạn muốn mua Tivi, đến Điện máy xanh. Bạn muốn mua tủ lạnh, đến Điện máy xanh. Máy lạnh máy giặt, đến Điện máy xanh, Điện máy xanh u…ơ…u…ơ…ơ…). Chiến dịch quảng cáo này của Điện máy xanh không chỉ giúp Điện máy xanh bành trướng thương hiệu, tiếp cận và đi vào tiềm thức của khách hàng mà còn là chiếc “công tắc” bật lên ánh đèn chiếu sáng vào ngành quảng cáo ở nước ta tại thời điểm bấy giờ.

  • Nội dung tương tác: Là các bài đăng trên các trang mạng xã hội nhằm lôi kéo sự tương tác của mọi người. Các bài viết này có thể là những bài hài hước, những cuộc thăm dò,… để thu hút sự chú ý của khách hàng, tăng cường tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng để tạo sự gắn kết bền lâu cũng như thấu hiểu hơn về nhu cầu của khách hàng.

Nếu nhắc đến những khoản nội dung hài hước thu hút sự quan tâm của khách hàng nhất phải kể đến nhãn hiệu bao cao su Durex – thương hiệu được mọi người đề cử giải thưởng “thánh content”

Brand Identity - Nội dung tương tác hài hước như Durex

Bắt trend nhanh gọn và hài hước không kém chỉ có thể là Durex

Còn Bitit’s lại làm cho cư dân mạng Việt Nam nhức đầu khi không biết Tết này nên đi hay trở về.

Brand Identity - tương tác bằng sự lựa chọn đánh vào tâm lý mọi người

Đi để trở về nhỉ

Lời kết

Việc xây dựng thương hiệu thành công là kết quả của nỗ lực cao độ chứ không phải do ngẫu nhiên, bởi làm được điều đó là một quá trình dài đòi hỏi sự thống nhất từ tất cả các yếu tố trên. Và đối với tất cả các công ty, đặc biệt là các công ty mới khởi nghiệp thì càng cần phải chú trọng hơn nhiều để có thể phát triển mạnh mẽ trong thời buổi ngày nay.

Qua bài viết trên, mình mong rằng có thể phần nào giúp các bạn hiểu được brand identity hay còn gọi là bộ nhận diện thương hiệu là gì, tâm quan trọng của nó đối với doanh nghiệp và làm sao để có thể tạo ra nhận diện thương hiệu của riêng mình nhé.

Câu hỏi thường gặp:

1. Brand identity là gì?

Brand identity (bộ nhận diện thương hiệu) là tất cả những yếu tố mà doanh nghiệp tạo ra để xây dựng một hình ảnh đúng đắn của bản thân cho khách hàng của họ. Các yếu tố này có thể nhìn thấy trực quan hoặc cảm nhận thông qua sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp và con người.

2. Tại sao brand identity lại quan trọng?

Bởi brand identity giúp truyền đạt giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp được nổi bật trên thị trường, giữ chân khách hàng tiềm năng, hỗ trợ đội ngũ nhân viên bán hàng, gia tăng lợi nhuận và giá trị cho doanh nghiệp.

3. Có nên thay đổi brand identity hay không?

Thông thường, chúng ta không nên thay đổi brand identity vì khách hàng đã có ấn tượng và nhớ về chúng ta, nếu thay đổi sẽ mất nhiều thời gian và công sức để tạo ra một cái mới, đồng thời có thể khách hàng sẽ quên mất chúng ta. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp như thay đổi ngành nghề kinh doanh hoặc thay đổi chiến lược, tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp,… thì daonh nghiệp có thể thay đổi brand identity của mình.

4. Điều gì tạo nên một brand identity mạnh mẽ?

Để tạo nên một brand identity mạnh mẽ, bạn phải tuân thủ những yếu tố sau: sự khác biệt; dễ nhớ nhưng tạo ra được ấn tượng trực quan; mở rộng và linh hoạt; tính kết dính; dễ áp dụng.

5. Các thành phần cấu tạo nên một brand identity là gì?

Các yếu tố cơ bản tạo nên brand identity là: logo; đồ dùng văn phòng; các phương tiện truyền thông xã hội; hình ảnh; đồ hoạ trang web; bao bì; sản phẩm, dịch vụ, content marketing và các tài sản khác.

Nguồn tham khảo:

Bài viết này có hữu ích với bạn không? Hãy cho tôi biết đánh giá của bạn nhé!
[Tổng: 1 Trung bình: 5]

Nhận Thông Báo Nội Dung Mới 

ABC Digi xuất bản nội dung mới hàng tuần, chúng tôi sẽ cập nhật cho bạn qua email 1 lần/tuần. Hoàn toàn miễn phí. Hãy điền thông tin để nhận thông báo.

Nếu bạn bất kỳ câu hỏi hay góp ý nào, bạn hãy bình luận bên dưới, hoặc bạn có thể vào Group FB Cộng Đồng ABC Digi để hỏi đáp & thảo luận các vấn đề về Digital Marketing.

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Loading...