Tất Tần Tật về Hành Trình Khách Hàng (Customer Journey) cho người mới tìm hiểu

bởi | 02.07.2023 | Marketing Foundation - Kiến thức nền tảng

Việc hiểu rõ và tối ưu hóa customer journey là điều cực kỳ quan trọng. Hành trình khách hàng đại diện cho mọi trải nghiệm mà khách hàng trải qua từ khi phát hiện thương hiệu đến khi trở thành người ủng hộ chân thành. Việc áp dụng journey mapping và customer insights giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hành vi mua hàng và mong đợi của khách hàng.

Điều này giúp tăng cường sự tương tác và tăng trưởng doanh số. Cùng với chiến lược content marketing và UX design, các doanh nghiệp có thể tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, từ đó cải thiện tỷ lệ chuyển đổi và nâng cao hài lòng khách hàng. Bằng cách này, việc quản lý customer journey không chỉ là một chiến lược mà là cơ hội để xây dựng mối quan hệ bền vững và thành công dài lâu với khách hàng.

Trước khi viết bài này, tôi đã đọc qua khoảng 20 bài viết về Hành Trình Khách Hàng – Customer Journey trên các website khác, cả Việt Nam lẫn nước ngoài. Tôi thấy nhận thấy là các nội dung nhìn chung khá là lý thuyết.

Bản thân tôi đọc xong cũng thấy hơi lùng bùng. Vì thế, tôi sẽ đơn giản hóa các lý thuyết về hành trình khách hàng thành các ví dụ đời thường gần gũi và đơn giản để bạn dễ hình dung, sau khi đọc bài của tôi xong, nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn, bạn có thể xem thêm các link tôi để ở cuối bài. Trong bài viết này, bạn sẽ nắm được:

  • Hành trình khách hàng là gì và tại sao nó vô cùng quan trọng.
  • Cách xây dựng hành trình khách hàng (còn gọi là lập bản đồ hành trình khách hàng – Customer Journey Mapping) đơn giản.

Nếu như bạn là người mới tìm hiểu về marketing, hoặc chưa vững về hành trình khách hàng thì tôi khuyên bạn hãy đọc thật kỹ bài viết này nhiều lần. Vì đây là một trong những kiến thức quan trọng nhất mà người làm marketing phải nắm vững.

infographic hanh trinh khach hang co ban scaled

Nếu không nắm vững kiến thức về Hành Trình Khách Hàng, người làm marketing sẽ dễ đưa ra những quyết định sai lầm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

mô hình hành trình khách hàng AIDA

AIDA là mô hình hành trình khách hàng cơ bản và quan trọng nhất. AIDA sẽ được nói đến ở phần bên dưới của bài viết.

Khóa học miễn phí mô hình AIDA

Customer Journey – Hành trình khách hàng là gì?

Customer Journey – hành trình khách hàng là chuỗi tương tác của khách hàng với thương hiệu/doanh nghiệp trong suốt vòng đời khách hàng.

Tạm thời chúng ta sẽ không bàn đến cái định nghĩa bên trên. Chúng ta sẽ đi vào các ví dụ trước.

Hành trình khách hàng là những bước mà khách hàng trải qua khi tương tác với một thương hiệu, từ khi họ nhận biết đến sự tồn tại của sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu cho đến khi họ quyết định mua hàng, rồi duy trì mối quan hệ lâu dài.

Phân tích chi tiết về hành trình khách hàng giúp doanh nghiệp hiểu rõ điểm tiếp xúc (hay còn gọi là điểm chạm) và suy nghĩ, tương tác của khách hàng với thương hiệu. Giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về cảm xúc và nhu cầu của khách hàng trong từng giai đoạn của quá trình này.

Từ đó, doanh nghiệp có thể tối ưu hoá các hoạt động marketing và kinh doanh để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Bản đồ hành trình khách hàng

Bản đồ hành trình khách hàng không chỉ đơn thuần là một biểu đồ, mà nó bao gồm toàn bộ các điểm chạm mà khách hàng có thể tiếp cận và tất cả những hành động mà khách hàng thực hiện để đạt được mục tiêu của mình.

Xem thêm: Hiểu 3 Tính Chất Của Facebook Để Tạo Đột Phá Trong Marketing

Bản đồ giúp doanh nghiệp nhìn thấy rõ ràng những điểm yếu và điểm mạnh trong quá trình tương tác với khách hàng. Nó giúp doanh nghiệp nhìn thấy được những khía cạnh mà khách hàng gặp khó khăn, từ đó tạo ra các giải pháp tốt hơn để nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Đồng thời, bản đồ cũng giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các điểm mạnh của mình. Nhờ việc phân tích và đánh giá quá trình tương tác với khách hàng, doanh nghiệp có thể nhận ra những điểm mạnh của sản phẩm, dịch vụ hoặc doanh nghiệp mà họ có thể tận dụng để làm hài lòng và thu hút thêm khách hàng mới.

Tóm lại, bản đồ hành trình khách hàng là một công cụ quan trọng trong việc hiểu và cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Nó giúp doanh nghiệp nhìn thấy rõ ràng những điểm yếu và điểm mạnh trong quá trình tương tác với khách hàng, từ đó xây dựng các chiến lược phù hợp để mang lại sự hài lòng cho khách hàng và gia tăng lợi ích kinh doanh. Ban do hanh trinh khach hang

2 ví dụ về hành trình khách hàng

Ví dụ 01: Chuyện tình Sửu Nhi

Bạn đã có người yêu hay gia đình chưa? Nếu đã có rồi thì hãy nhớ về thời gian lúc 2 bạn mới gặp nhau. (Nếu bạn chưa có thì hãy cố tưởng tượng nhé).

Hãy tưởng tượng, nếu 2 người mới gặp nhau, người con trai liền nói, “em ơi, anh thích em, mình cưới nhau nhé?”, thì người con gái sẽ phản ứng như thế nào? Dễ là sẽ cho anh chàng kia vào dạng thần kinh phân liệt cần được cách ly khỏi xã hội.

Tạm gọi người con trai là Sửu, người con gái là Nhi. Để cưới Nhi, Sửu sẽ phải làm quen, kiếm cớ hẹn hò, hoặc làm gì đó để Nhi chú ý (ví dụ: Sửu tương tác liên tục với Nhi trên Facebook). Khi Nhi mở lòng, có thiện cảm, chịu đi chơi thì hai người sẽ nói chuyện, sẽ tìm hiểu nhau kỹ hơn xem có hợp tính hay không.

Sau một thời gian, hai người thân thiết nhau hơn, đi với nhau nhiều hơn, thấy tính cách hợp nhau, thì Sửu mới ngỏ lời yêu. Có thể Nhi sẽ e thẹn từ chối, nhưng nếu Sửu áp dụng chiến thuật đẹp trai không bằng chai mặt, kiên trì đấu tranh, liên tục tiếp cận, thì trong trường hợp tốt nhất là Nhi đồng ý làm người yêu.

Sau đó, thêm một thời gian bên nhau, trải qua mấy chục lần cãi vã, giận hờn, vui vẻ, hạnh phúc, mà vẫn còn ở bên nhau thì Sửu cầu hôn Nhi. Lúc này Nhi mới nói còn sớm quá, em chưa sẵn sàng. Vậy là hai người lại ở bên nhau thêm một thời gian nữa, rồi Sửu cầu hôn lại thì mới thành công.

Như vậy từ lúc mới quen đến lúc kết hôn, Sửu và Nhi trải qua phải nhiều giai đoạn và vô vàn các tương tác khác nhau. Nếu như coi Sửu là doanh nghiệp, Nhi là khách hàng và việc cưới hỏi là bán hàng thành công, thì chúng ta có thể mường tượng ra được hành trình của một khách hàng từ lúc mới biết tới doanh nghiệp cho đến khi mua hàng là như thế nào.

Hành trình của Sửu và Nhi có thể tóm tắt như sau:

Làm quen -> Làm bạn -> Làm người yêu -> Cưới nhau

hành trình trở thành vợ chồng rất nhiều chông gai

Hành trình từ người dưng thành vợ chồng phải trải qua rất nhiều chông gai. Không có tiếng sét ái tình đâu nhé.

Xem thêm: 43 câu hỏi & 4 bước Vẽ Chân Dung Khách Hàng Mục Tiêu (có Template mẫu)

Ví dụ 2: Tôi tìm mua action camera

Bây giờ là một ví dụ gần gũi với việc kinh doanh hơn. Đây là ví dụ từ chính bản thân tôi. Lần đó tôi kiếm mua cái camera hành động (action camera).

Đầu tiên tôi lên mạng và tìm kiếm “best action camera 2019” tôi đọc khoảng 5 bài viết và coi hơn chục cái video trên Youtube thì chấm được em Osmo Action. (Nhận thức về sản phẩm) Thương hiệu Osmo này rất mới đối với tôi, nên tôi phải đi tìm hiểu thêm. Tôi biết được Osmo là thương hiệu của DJI, công ty nổi tiếng chuyên sản xuất các loại drone (camera bay điều khiển từ xa). Tôi thấy yên tâm. (Thích thú sản phẩm & Tin tưởng thương hiệu)

Sau đó tôi lại lên các trang xếp hạng và review để xem dân chúng review gì về cái camera này. Xem xong review tôi thấy rất ok. (Thích thú và tin tưởng sản phẩm) Tiếp theo tôi tìm chỗ bán ở Việt Nam. Tôi so sánh giá giữa các cửa hàng. (Nhận thức về cửa hàng).

Sau đó lên Google tìm kiếm xem cửa hàng đó có dính phốt nào không. (Tin tưởng cửa hàng) Sau đó tôi mới tới tận cửa hàng, lấy máy ra cầm nắm một hồi (khao khát sản phẩm) mới quyết định mua máy. Từ lúc tôi tìm hiểu về action camera đến lúc tôi mua con Osmo Action là hơn 2 tuần. Với hàng chục lần tìm kiếm và xem các nội dung liên qua đến sản phẩm, thương hiệu, cửa hàng.

Như vậy chúng ta có thể thấy là hành trình mua hàng của tôi không chỉ là đến tiệm và mua hàng. Cũng giống như đôi nam nữ kia, không phải gặp là cưới. Hành trình mua hàng của tôi là:

Nhận biết (sản phẩm & cửa hàng) -> Thích thú sản phẩm -> Tin tưởng (sản phẩm & cửa hàng) -> Khao khát sản phẩm -> Mua sản phẩm

Chúng ta thấy rằng hầu hết các cặp đôi sẽ trải qua hành trình tương tự Sửu và Nhi, hầu hết khách hàng mua sắm online một thứ gì đó mới mẻ cũng trải qua hành trình giống như tôi.

Mỗi hành trình đều có những bước nhất định, mỗi bước trong hành trình lại có những hành động nhất định. Nắm được những hành động đó và tối ưu từng hành động một sẽ mang lại hiệu quả vượt trội.

camera của abcdigi

Để mua con Osmo Action này, tôi dành hết 2 tuần nghiên cứu, quyết định mua hàng không hề dễ dàng.

Ví dụ về tối ưu hành trình khách hàng

Quay lại ví dụ về Sửu và Nhi.

Ở bước làm quen, Sửu có rất nhiều hành động như là tìm hiểu sở thích của Nhi, tìm ra thứ Nhi thích, tương tác với Nhi hàng ngày trên FB, nhắn tin với Nhi vài ngày một lần. Chào hỏi xã giao với nhau vài lần ngoài đời…

Xem thêm: Mức Lương Ngành Digital Marketing Có Thật Sự Cao Như Giang Hồ Đồn?

Nếu biết cách tối ưu: Sửu sẽ biết rằng Nhi thực sự thích gì và tập trung vào sở thích đó. Sửu cũng biết là nên nhắn tin bao nhiêu là đủ, không quá nhiều gây mất thiện cảm, không quá ít làm người ta không chú ý. Khi gặp nhau, dù chào hỏi xã giao, Sửu cũng sẽ biết nên nói gì để tạo ra thiện cảm nhiều hơn.

Ở bước làm bạn, Sửu tìm hiểu kỹ hơn sở thích, tính cách, thói quen của Nhi, chat với Nhi nhiều hơn, tặng Nhi một vài cuốn sách hay, đi cà phê với nhau, hai bên bắt đầu tâm sự nhiều hơn,…

Nếu biết cách tối ưu: Sửu sẽ chat với Nhi nhiều hơn khi mới quen, nhưng không quá nhiều gây phiền hà. Sửu sẽ chọn cuốn sách và quán cà phê mà Nhi thật thích.

Ở bước làm người yêu: Sửu sẽ hiểu Nhi hơn, sẽ phải xử lý các xích mích, hiểu lầm, rào cản giữa hai người, sẽ phải tìm cách nuôi dưỡng tình yêu, tránh để bị nhạt phai theo thời gian, và quan trọng nhất là phải tìm thời điểm hợp lý để cầu hôn.

Nếu biết cách tối ưu: Sửu sẽ biết cách kiềm chế cái tôi, cơn tức giận để tìm cách giải quyết các mâu thuẫn hợp lý hơn. Sửu sẽ biết 101 cách hâm nóng tình yêu. Và Sửu sẽ “đánh hơi” được chính xác thời điểm hợp lý nhất để “ra đòn chốt hạ”.

Quay lại ví dụ của tôi khi tìm mua Action Camera

Ở bước nhận thức sản phẩm: tôi sẽ đi tìm thông tin trên Google và Youtube.

Nếu nhà bán hàng (NBH) biết tối ưu: họ sẽ chạy quảng cáo Google và Youtube những nội dung liên quan đến thứ tôi tìm kiếm. Họ cũng triển khai SEO luôn để tôi có thể thấy họ trên phần quảng cáo Google, kết quả tìm kiếm tự nhiên (SEO) và cả trên Youtube. Chưa dừng lại đó, họ còn chạy cả quảng cáo Facebook về sản phẩm tôi đang tìm kiếm. Như vậy đi đâu tôi cũng thấy họ.

Họ sẽ mang cho tôi những nội dung như: 10 loại camera hành động tốt nhất cho dân phượt, 5 loại camera hành động cho người mới chơi. Lúc đó mà thấy mấy nội dung này, chắc chắn tôi sẽ xem ngay. Như vậy, nếu NBH làm được những việc trên, họ sẽ thành công trong việc tạo nhận thức cho tôi và sản phẩm và về cửa hàng của họ. bản đồ hành trình khách hàng cơ bản trên online

Bản đồ hành trình khách hàng cơ bản

Ở bước thích thú và tin tưởng sản phẩm: tôi sẽ xem rất nhiều bài viết và video về những mẫu camera tôi định mua.

Nếu nhà bán hàng (NBH) biết tối ưu: họ sẽ mang cho tôi những nội dung như review cặn kẽ Osmo Action – GoPro Killer, So sánh Osmo Action với GoPro, Test pin của Osmo Action. Họ có thể mang các loại nội dung này đến cho tôi thông qua quảng cáo, video trên Youtube, hoặc là kết quả tìm kiếm trên Google. Ngoài ra, họ có thể cho tôi một lời mời tới trải nghiệm sản phẩm tại cửa hàng.

Ở bước tin tưởng vào cửa hàng: tôi cần xem review về của hàng đó, và có thể sẽ đến xem trực tiếp cửa hàng.

Nếu nhà bán hàng biết tối ưu: họ sẽ xử lý thỏa đáng các review xấu về họ (nếu có) trên internet, để nếu tôi có đọc được thì tôi cũng thấy rằng cửa hàng làm việc chuyên nghiệp, có trách nhiệm. Họ sẽ làm trang web và fanpage thật chuyên nghiệp, có thông tin hậu mãi – đổi trả – bảo hành rõ ràng, có review từ nhiều khách hàng, có hình ảnh, video giới thiệu về cửa hàng… Bước này cực kỳ quan trọng, nếu NBH thất bại, họ sẽ mất khách.

Khách hàng sẵn sàng mua sản phẩm giá cao hơn nếu họ thấy tin tưởng hơn vào NBH (bạn sẽ thấy Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh luôn bán giá mắc nhất, nhưng vẫn đông khách nườm nượp, vì khách hàng tin tưởng và yêu thích dịch vụ của họ).

Có thể khẳng định rằng: giữa 2 doanh nghiệp bán cùng sản phẩm, có dịch vụ tương tự nhau, mức giá tương tự nhau thì doanh nghiệp nào mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng trên hành trình mua sắm thì doanh nghiệp đó sẽ giành được khách.

Qua 2 ví dụ trên đây, chắc là bạn đã mường tượng ra hành trình khách hàng là gì, và tại sao việc xây dựng và tối ưu nó lại quan trọng. Tiếp theo tôi sẽ nói đến phần lý thuyết về hành trình khách hàng để bạn hệ thống lại những thứ tôi chia sẻ phía trên.

Xem thêm: 35+ Sách Hay về Marketing tôi đã đọc trong 6 năm qua

Tại sao hành trình khách hàng lại quan trọng?

Hiểu được hành trình khách hàng, chúng ta sẽ biết cách tối ưu các điểm chạm trên hành trình đó, giúp mang lại trải nghiệm mua sắm tuyệt vời hơn cho khách hàng. Từ đó sẽ tăng được khả năng chuyển đổi, tối ưu ngân sách quảng cáo và nuôi dưỡng mối quan hệ khách hàng tốt hơn.

Nói chung, nếu xây dựng được một hành trình khách hàng chỉn chu, bạn sẽ có thể có được nhiều doanh thu hơn trên cùng một ngân sách truyền thông.

Có phải mọi doanh nghiệp đều cần xây dựng hành trình khách hàng?

Đúng như vậy, nếu đã kinh doanh thì bạn phải xây dựng hành trình khách hàng. Nếu bạn không có một hành trình khách hàng tốt, bạn sẽ lãng phí rất nhiều chi phí truyền thông và chi phí bán hàng. Và bạn hãy xây dựng hành trình khách hàng càng sớm càng tốt.

4 mô hình hành trình khách hàng cơ bản

Với mỗi doanh nghiệp, mỗi loại sản phẩm/dịch vụ sẽ có những hành trình khách hàng khác nhau, tuy nhiên nếu gộp chung lại thì sẽ có vài hành trình cơ bản nhất.

Mô hình 01: AIDA

A – Awareness (nhận thức): khách hàng mới biết về sp/dv, thương hiệu, cửa hàng

I – Interest (thích thú): khách hàng tìm hiểu và có thích thú về sp/dv, thương hiệu

D – Desire (khao khát): khách hàng khao khát và mong muốn sở hữu/trải nghiệm sp/dv

A – Action (hành động): khách hàng ra quyết định sẽ mua, dùng thử, trải nghiệm sp/dv

Có thể nói AIDA là mô hình hành trình khách hàng đầu tiên và cơ bản nhất, nếu làm marketing, chúng ta phải luôn nắm vững AIDA. AIDA không chỉ áp dụng trong việc hoạch định chiến lược marketing, nó còn áp dụng trong từng nội dung, video, bài viết, bài thuyết trình, trong cả bán hàng, thuyết phục.

Xem thêm: Khóa Học Thấu Hiểu Mô Hình AIDA Trong Marketing

Mô hình 02: ACC

mô hình hành trình khách hàng ACC của facebook

Mô hình hành trình khách hàng ACC của Facebook, khi bạn tạo chiến dịch quảng cáo, Facebook sẽ yêu cầu bạn chọn các kết quả mong muốn dựa theo mô hình này.

A – Awareness (nhận thức): khách hàng mới biết về sp/dv, thương hiệu, của hàng

C – Consideration (cân nhắc): khách hàng tìm hiểu, so sánh và cân nhắc giữa các loại sp/dv

C – Conversion (chuyển đổi): khách hàng ra quyết sẽ mua, dùng thử, trải nghiệm sp/dv

Đây là mô hình đơn giản nhất, cũng là mô hình quảng cáo được gợi ý của Facebook.

Mô hình 03: ACCSR

mô hình hành trình khách hàng ACCSR

Đây chính là mô hình ACCSR. Tuy nhiên họ dùng từ Acquisition thay cho Conversion, về nghĩa thì tương tự nhau.

Đây là mô hình ACC bổ sung thêm S và R

S – Service (dịch vụ): sau khi mua hàng, khách hàng sẽ được chăm sóc bởi một dịch vụ khách hàng (có thể là sản phẩm khó sử dụng, cần hỗ trợ trong quá trình sử dụng, hoặc là dịch vụ chăm sóc để khách hàng không quên thương hiệu.)

R – Retention (mua lại): sau khi mua hàng, sử dụng dịch vụ, khách hàng sẽ tiếp tục mua nhiều lần nữa trong tương lai.

Mô hình 04: ACCRA hoặc ACPRA

Đây là phiên bản khác của mô hình ACC, (có nơi thay chữ C cuối là Conversion thành P là Purchase, về ý nghĩa thì như nhau), bổ sung thêm R và A:

R – Retention (mua lại): sau khi mua hàng, sử dụng dịch vụ, khách hàng sẽ tiếp tục mua nhiều lần nữa trong tương lai.

A – Advocacy (giới thiệu): khách hàng sau khi mua hàng và trải nghiệm dịch vụ, họ thấy thỏa mãn và sẽ giới thiệu chúng ta với bạn bè, người thân của họ.

Mô hình này nếu tách ra theo AIDA sẽ là AIDARA tức là Awareness – Interest – Desire – Action – Retention – Advocacy. Nếu kết hợp AIDARA với ACCSR sẽ ra AIDASRA:

Awareness – Interest – Desire – Action – Service – Retention – Advocacy.

mô hình aida mở rộng

Đây chính là mô hình AIDASRA (với service được thay bằng support, Retention được thay bằng Loyalty, tuy thuật ngữ khác nhau nhưng ý nghĩa như nhau)

AIDASRA có lẽ là mô hình chi tiết nhất, đúng theo định nghĩa tôi nói đến ở đầu bài viết:

Customer Journey – hành trình khách hàng là chuỗi tương tác của khách hàng với thương hiệu/doanh nghiệp trong suốt vòng đời khách hàng.

Chúng ta hãy chú ý đến từ “vòng đời khách hàng”:

Vòng đời khách hàng là từ khi khách hàng mua hàng lần đầu đến lần khi khách hàng quên hẳn sự tồn tại của chúng ta.

Một khách hàng có thể chỉ mua hàng 1 lần và quên luôn chúng ta, nhưng cũng có thể mua nhiều lần và còn giới thiệu thêm khách khác cho chúng ta. Vì thế hành trình khách hàng không dừng lại ở hành động mua sắm (AIDA).

Mà nó còn bao gồm quá trình họ sử dụng và trải nghiệm sp/dv, lúc này họ sẽ cần được chăm sóc (Service), sau đó họ sẽ có nhu cầu mua lại để sử dụng tiếp (Retention), và khi đã tin tưởng sử dụng sp/dv của chung ta nhiều lần, họ sẽ thành khách hàng trung thành và đi giới thiệu chúng với bạn bè, người thân của họ (Advocacy).

Xem thêm: Công Thức Tạo Sự Thỏa Mãn WOW Cho Khách Hàng

Trên đây là vài mô hình Hành Trình Khách Hàng cơ bản và phổ biến nhất. Bạn có thể tham khảo thêm trên Internet. Tuy nhiên tôi khuyên là bạn hãy tìm hiểu thật kỹ AIDA trước tiên (tôi sẽ viết 1 bài chi tiết về AIDA), sau đó là AIDASRA.

Mô hình 05: Flywheel (Bánh Đà)

Khác với các mô hình tuyến tính như AIDA hay ACCSR, mô hình Flywheel mô tả hành trình khách hàng theo dạng vòng tròn liên tục – nơi mà khách hàng không chỉ dừng lại ở việc mua hàng mà còn trở thành động lực thúc đẩy cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Các giai đoạn chính trong mô hình Flywheel

  • Attract (Thu hút): Doanh nghiệp thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng thông qua nội dung giá trị, SEO, social media, PR… để khiến khách hàng biết đến thương hiệu một cách tự nhiên và tự nguyện.
  • Engage (Tương tác): Tạo dựng mối quan hệ thông qua việc cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa, tư vấn tận tâm, dịch vụ khách hàng chất lượng hoặc các hoạt động marketing tự động hóa nhằm khiến khách hàng cảm thấy hài lòng và hứng thú hơn.
  • Delight (Làm hài lòng): Đem lại giá trị vượt mong đợi sau khi khách hàng mua hàng, qua đó giúp họ trở thành người ủng hộ thương hiệu (Advocate) và quay trở lại mua hàng (Retention). Giai đoạn này có thể thông qua chăm sóc sau bán, tặng quà, hỗ trợ kỹ thuật chu đáo hoặc cộng đồng khách hàng.

Điểm đặc biệt của Flywheel:

– Khách hàng trở thành động lực tăng trưởng chính: Khách hàng hài lòng sẽ tự động giới thiệu sản phẩm/dịch vụ đến bạn bè, người quen (Word-of-Mouth), từ đó tiếp tục tạo vòng lặp thu hút – tương tác – làm hài lòng mới.

– Động lượng càng lớn khi bánh đà quay càng mạnh: Nếu mỗi điểm chạm trong hành trình khách hàng đều tốt, bánh đà quay càng nhanh – chi phí thu hút khách hàng mới giảm, khách cũ mua lại nhiều hơn.

– Giảm ma sát (Friction) ở từng bước: Doanh nghiệp cần liên tục tối ưu trải nghiệm khách hàng để bánh đà quay trơn tru: quy trình bán hàng đơn giản, thanh toán dễ dàng, dịch vụ hỗ trợ nhanh chóng…

Nếu như AIDA/AIDASRA hay ACCSR mô tả hành trình từ nhận biết đến mua hàng rồi kết thúc (hoặc có tái mua, giới thiệu), thì Flywheel xem hành trình khách hàng là một vòng lặp liên tục, nơi mỗi khách hàng hài lòng sẽ giúp bánh đà thương hiệu quay mạnh hơn và bền vững hơn.

Nên bắt đầu với mô hình hành trình khách hàng nào?

Bạn nên bắt đầu xây dựng hành trình khách hàng với mô hình AIDA. Đây là mô hình cơ bản và nền tảng nhất. Các mô hình còn lại cũng là những bản mở rộng của AIDA. Khi đã nắm rõ và AIDA, bạn sẽ dễ dàng phát triển ra các mô hình khác.

Mô hình Flywheel rất phù hợp với những doanh nghiệp muốn xây dựng cộng đồng khách hàng trung thành lâu dài hoặc triển khai Inbound Marketing.

5 bước Xây dựng và Tối ưu hành trình khách hàng

Bước 01: Liệt kê đầy đủ các bước mà khách hàng phải đi qua trên hành trình mua hàng

Trước tiên, cần xác định cụ thể các bước mà khách hàng phải trải qua trong suốt vòng đời mua sắm và sử dụng sản phẩm/dịch vụ. Việc này phụ thuộc vào đặc điểm riêng của từng loại sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Dựa vào đó, doanh nghiệp sẽ chọn mô hình hành trình khách hàng phù hợp nhất, chẳng hạn như AIDA, ACC, ACCSR, ACCRA/AIDASRA hoặc Flywheel.

Từ mô hình đã chọn, tiến hành liệt kê chi tiết các bước mà khách hàng sẽ trải qua, ví dụ như: Nhận biết (Awareness), Cân nhắc (Consideration), Mua hàng (Conversion/Purchase), Trải nghiệm dịch vụ (Service), Mua lại (Retention) và Giới thiệu (Advocacy). Việc liệt kê này càng chi tiết, cụ thể thì càng giúp doanh nghiệp hiểu rõ những điểm chạm và nhu cầu của khách hàng trong từng giai đoạn.

Bước 02: Hiểu rõ vấn đề, nhu cầu và hành vi của khách hàng tại từng bước trong hành trình

Sau khi đã có danh sách các bước hành trình, doanh nghiệp cần phân tích sâu về hành vi và tâm lý khách hàng ở từng bước đó. Cụ thể, khách hàng đang làm gì tại mỗi bước, họ đang cảm thấy thế nào (băn khoăn, lo lắng, hào hứng, tò mò…), họ thường tìm kiếm thông tin ở đâu (Google, Facebook, TikTok, hỏi bạn bè, đọc review…), họ tiếp cận sản phẩm ở đâu và lúc nào (trực tuyến hay tại cửa hàng, buổi sáng hay tối…).

Ngoài ra, cần nhận diện những nỗi sợ, sự lo ngại hoặc rào cản tâm lý nào khiến họ còn chần chừ chưa chuyển sang bước kế tiếp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xác định cụ thể khách hàng cần nhận được thông tin gì ở mỗi bước (hướng dẫn sử dụng, bảng giá, bảo hành, feedback của khách cũ…) và yếu tố nào sẽ khiến họ tự tin để chuyển tiếp sang bước tiếp theo (chẳng hạn chính sách đổi trả, bảo hành dài hạn, ưu đãi đặc biệt, demo miễn phí…).

Bước 03: Đưa ra phương án giải quyết vấn đề của khách hàng tại từng bước trên hành trình

Sau khi đã hiểu được vấn đề và nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp cần triển khai các giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề đó. Trước hết, phải lựa chọn kênh giao tiếp phù hợp – xác định rõ khách hàng sẽ nhận thông tin qua kênh nào (website, email, Facebook, YouTube, TikTok, cửa hàng offline…) và dưới hình thức nào (bài viết, video, hình ảnh, podcast…).

Tiếp theo, doanh nghiệp cần sản xuất nội dung phù hợp đúng với những phân tích trước đó: nội dung phải trả lời được thắc mắc, xoa dịu lo ngại hoặc khơi gợi mong muốn của khách hàng tại từng bước cụ thể. Bên cạnh đó, mỗi nội dung cần có lời kêu gọi hành động (Call to Action – CTA) rõ ràng để dẫn dắt khách hàng thực hiện hành động mong muốn: tiếp tục đọc bài viết khác, đăng ký nhận tư vấn, để lại thông tin, thêm vào giỏ hàng hay mua ngay…

Để dễ hình dung và kiểm soát quá trình này, doanh nghiệp nên vẽ Bản đồ Hành Trình Khách Hàng (Customer Journey Map), thể hiện trực quan các bước đi, điểm chạm, hành vi và nội dung tương ứng.
bản đồ hành trình khách hàng

Đây là một mẫu bản đồ hành trình khách hàng rất chi tiết.

Bước 04: Theo dõi hành vi và phân loại khách hàng để cung cấp nội dung phù hợp

Một trong những lợi thế lớn của Digital Marketing là khả năng tracking (theo dõi) hành vi khách hàng trên từng điểm chạm để phân loại chính xác theo từng giai đoạn của hành trình. Doanh nghiệp có thể dùng công cụ như Pixel, Google Analytics, UTM hoặc CRM để ghi nhận khách đã xem nội dung nào, dừng lại ở bước nào.

Dựa trên dữ liệu này, khách hàng được gán nhãn cụ thể như: Awareness (nhận biết), Interest (quan tâm), Consideration (cân nhắc), Conversion (mua hàng)…

Ví dụ: Khi một khách truy cập website và đọc bài viết “Top 10 Action Camera tốt nhất 2025”, hệ thống có thể xác định người này thuộc nhóm Awareness. Sau đó, doanh nghiệp có thể chạy quảng cáo retargeting về bài “So sánh chi tiết 3 dòng camera bán chạy nhất” (bước Consideration).

Nếu khách xem kỹ loại camera GoPro Hero 13, họ sẽ được phân vào nhóm Interest với sản phẩm đó và tiếp tục được nhắm quảng cáo cụ thể về ưu đãi cho GoPro Hero 13. Nhờ tracking và phân loại này, nội dung gửi đến khách hàng luôn chính xác với mối quan tâm hiện tại, tránh gửi sai thời điểm hoặc sai nội dung khiến khách mất hứng thú.

Xem thêm: Đa Kênh Hay Là Chết – Tổng quan về Digital Marketing Đa Kênh

Bước 05: Theo dõi và tối ưu liên tục để nâng cao hiệu quả hành trình khách hàng

Trong quá trình triển khai, doanh nghiệp cần thực hiện A/B Testing để thử nghiệm nhiều phiên bản tiêu đề, hình ảnh, lời kêu gọi hành động hoặc thậm chí toàn bộ nội dung nhằm xác định phiên bản nào mang lại hiệu quả tốt nhất: lượt xem cao hơn, thời gian ở lại lâu hơn, tỉ lệ click (CTR) hoặc tỉ lệ chuyển đổi (Conversion Rate) cao hơn.

Nhờ việc tracking liên tục, doanh nghiệp sẽ biết nội dung nào thực sự thu hút khách hàng, bước nào khách hay bị “rớt” hoặc dừng lại lâu nhất, từ đó kịp thời điều chỉnh. Nếu có bước gây cản trở lớn (rào cản tâm lý, thiếu thông tin…), doanh nghiệp phải bổ sung thêm điểm chạm, nội dung thuyết phục hoặc ưu đãi đặc biệt để khách dễ dàng tiếp tục hành trình.

Khi quá trình này được tối ưu liên tục, hành trình khách hàng sẽ trở nên liền mạch, tự nhiên và hấp dẫn đến mức khách hàng cảm thấy như doanh nghiệp đã “đọc được suy nghĩ” của họ. Điều này khiến họ ngạc nhiên và hài lòng: “Sao mà bạn hiểu tôi quá vậy? Tôi còn chưa kịp hỏi mà bạn đã đưa giải pháp rồi!” – và đây chính là cảm giác khiến khách hàng gắn bó dài lâu với thương hiệu.
modern customer journey

Tuy dùng những thuật ngữ khác nhau, nhưng về bản chất, các bước trong hành trình khách hàng luôn có nhiệm vụ giống nhau. Hiểu được AIDA, bạn sẽ hiểu các mô hình khác.

Lời kết

Customer Journey – Hành trình khách hàng là kiến thức vô cùng quan trọng, có thể nói là quan trọng bậc nhất trong marketing. Nếu bạn đang tìm hiểu về marketing nói chung và digital marketing nói riêng, thì bạn hãy dành ra vài tháng để tìm hiểu thật kỹ về vấn đề này.

Nếu không nắm được kiến thức về Hành Trình Khách hàng, bạn sẽ không biết nên đưa nội dung gì, khi nào, và bằng cách nào cho khách hàng tiềm năng. Thiếu sót kiến thức này sẽ dẫn đến các sai lầm nghiêm trọng khi làm marketing, gây thiệt hại về tiền bạc, thời gian và các nguồn lực khác của doanh nghiệp.

Hãy tìm hiểu về AIDA, ứng dụng nó vào các công việc thực tế của bạn, hãy nắm vững AIDA trước khi tìm hiểu sang các mô hình khác. Bản thân tôi thấy rằng trong vài năm đầu làm marketing, bạn chỉ cần dùng AIDA là đủ.

Bạn hãy theo dõi các nội dung của ABC Digi, chúng tôi sẽ nhắc nhiều đến AIDA với những ví dụ cụ thể. Bạn có thể tham khảo khoá học ABC Content hoàn toàn miễn phí. Khoá học này giúp bạn nắm đươc những kỹ thuật và nguyên tắc làm content thông dụng nhưng hiệu quả. Link tham khảo và hình ảnh

Khóa học miễn phí mô hình AIDA