Đa Kênh Hay Là Chết – tổng quan về Digital Marketing Đa Kênh

bởi | 28.07.2021 | Marketing Đa Kênh, Foundation, Level C


Đây là bài viết được hiệu chỉnh từ bài gốc: Digital Marketing – Đa kênh hay là chết – Không bỏ hết trứng vào cùng một rổ, bài này tôi đăng trên Facebook cá nhân vào tháng 5, 2019. Bạn có thể đọc bản gốc Tại Đây.

Đến bây giờ, tháng 08/2021, giá trị của bài viết vẫn còn y nguyên, và tôi nghĩ rằng nó sẽ vẫn giá trị trong nhiều năm tới. Bài viết này được chỉnh sửa một ít cho phù hợp với thời điểm hiện tại. Tuy nhiên về ý nghĩa, thì 100% giống với bài gốc.

digital marketing đa kênh là một điều cần thiết

Digital marketing đa kênh là điều phải có đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững.

5 câu chuyện kinh doanh thất bại

Trước khi nói về Digital Marketing đa kênh, tôi sẽ kể cho bạn một vài câu chuyện.

Câu chuyện 01

Tôi có 1 anh bạn, thời điểm năm 2017, ảnh có 5 shop bán giày nữ trên các con đường sầm uất nhất HCM. Tưởng chừng kinh doanh tốt lắm, bỗng nhiên một hôm đi cà phê, ảnh nói là đã bán lại hệ thống cho một đơn vị khác vì ảnh lỗ nhiều tháng rồi, không cầm cự được nữa.

Hỏi ra mới biết là ảnh ngoài 5 của hàng thì không còn 1 kênh tiếp cận khách hàng nào khác.  Khi Juno nhảy vào thị trường với hoạt động bán hàng bao phủ cả online lẫn offline, khách hàng của ảnh chạy sang Juno hết, thì ảnh không có phương án bán hàng nào thay thế cả.

Câu chuyện 02

Một người chị khác cũng bán giày nữ. Chỉ bán trên Facebook, hồi đó chưa có livestream, chỉ chạy quảng cáo thôi. Ban đầu chạy mỗi ngày 1 triệu, bán rất tốt. Rồi chị tăng lên 5 triệu/ngày thì lại thấy lỗ. Cuối cùng giảm lại còn 1 triệu/ngày.

Thế nhưng càng chạy ads thì biên lợi nhuận càng giảm dần. Cũng dễ hiểu, chạy quảng cáo Facebook quá dễ dàng, 3 cái click là xong cái ad. Nhà nhà cùng chạy, người người chạy nên giá ads tăng là điều dễ hiểu. Từ đó lợi nhuận giảm. Chị bán đâu đó được 2 năm trên Facebook, rồi oải quá, tiền lời không bõ công làm nên cũng nghỉ. Trường hợp này tôi thấy nhiều bạn kinh doanh online trên Facebook cũng đồng cảnh ngộ.

Câu chuyện 03

Năm 2015, tôi chơi MMO (Make money online) trên Youtube. Thời điểm đó kiếm tiền từ Youtube dễ cực, toàn reup video (tải video của người khác về rồi up lại), ngồi rung đùi chơi chơi cũng có hơn trăm đô mỗi ngày. Đến ngày Youtube nó quét bản quyền, có thể nói là mất trắng sau 1 đêm. Anh em nào hồi đó chơi Youtube kiểu reup chắc chắn hiểu cái cảm giác này. Giống như đang là vua mà bị đá ra đường làm ăn mày vậy đó.

Hiện tại Adbreak của Facebook cũng giống Youtube ngày xưa, nhiều bạn đang kiếm tiền bằng cách reup video. Có lẽ các bạn vẫn sống tốt trong 1 năm tới, nhưng sau đó có thể chết bất kỳ lúc nào.

Câu chuyện 04

Vào khoảng đầu năm 2020, Facebook “trảm” hàng loạt các tài khoản quảng cáo ở Việt Nam. Tài khoản cũ hay mới đều bị trảm hết. Tôi biết có những người từng chạy ngân sách hàng ngày vài trăm triệu với hàng trăm tài khoản khác nhau, trong một đêm bay sạch dàn tài khoản. Có cố gắng tạo lại cũng bị giới hạn ngân sách, chỉ còn chạy được vài triệu một ngày.

Nhiều doanh nghiệp phụ thuộc hơn 90% vào quảng cáo Facebook liền bị điêu đứng vì không chạy quảng cáo được, không bán hàng được mà vẫn phải nuôi bộ máy vận hành cồng kềnh và lượng hàng tồn kho quá lớn. Nhiều người không chịu nổi ba tháng. Mà lần ra tay này của Facebook kéo dài đến tận bây giờ là tháng 8/2021 (Mặc dù bây giờ đã đỡ gắt hơn). Như vậy có thể thấy rất nhiều doanh nghiệp từng kinh doanh rất tốt nhờ quảng cáo Facebook đã biến mất trong khoảng thời gian gần 2 năm này.

Câu chuyện 05

Vào tháng 1/2021 Apple tung ra phiên bản hệ điều hành IOS 14 dành cho Iphone, phiên bản này cho phép người dùng khóa các chức năng theo dõi của các ứng dụng bên thứ ba như Facebook, Instagram. Từ đó, việc chạy quảng cáo và tracking chuyển đổi bằng Facebook Pixel không còn chính xác như trước. Kết quả là chi phí quảng cáo tăng 30-40% khiến cho biên lợi nhuận giảm mạnh.

Cũng giống như câu chuyện 04, nhiều người kinh doanh chỉ dùng Facebook Ads cũng điêu đứng. Tuy không chết ngay như trong câu chuyện 04, nhưng họ cũng chật vật lay lắt tìm kiếm lợi nhuận, càng làm càng lỗ công.

Các kênh để làm Digital Marketing đa kênh

Với 5 câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy rằng các nhân vật chính đều bị phụ thuộc vào kênh duy nhất để tiếp cận khách hàng, bán hàng, kiếm tiền. Và quan trọng hơn nữa, có những kênh mình lại không có toàn quyết kiểm soát như là Facebook và Youtube. Facebook và Youtube có thể chém mình bất cứ lúc nào, với bất kỳ lý do gì. Mình đang chơi trong nhà của nó mà, nó chán thì nó đuổi mình đi thôi.

Và thực tế là nhiều doanh nghiệp tôi làm việc cùng cũng bị vướng vấn đề này. Kể ra ít ít cũng hơn 10 ngón tay. Có chỗ doanh thu hơn 10 tỉ/tháng mà chỉ xài có đúng website. Ngoài ra không có kênh nào khác. Web mà bị hack một phát là khóc tiếng Miên luôn. Tất nhiên là có thể backup lại, nhưng thiệt hại cũng sẽ nghiêm trọng.

mô hình digital marketing đa kênh cơ bản

Mô hình digital marketing đa kênh đơn giản mà tôi vẽ trong một buổi Coaching 1:1, năm 2019.

Nói riêng về Digital Marketing, chúng ta có rất nhiều kênh để tiếp cận khách hàng và bán hàng.

Paid Ads

Về Paid Ads (marketing trả phí): có Google Ads, Facebook Ads, Cốc cốc, Tik Tok ads, mạng hiển thị, PR báo chí, KOL (Key Opinion Leader – Người có sức ảnh hưởng), Native Ads.

Tôi thấy nhiều bạn dựa vào Paid Advertising gần như tuyệt đối. Điều này không sai nếu bạn vẫn đang bán hàng tốt, tuy nhiên có một vài điểm bạn cần lưu ý.

Nếu so sánh một doanh nghiệp với tòa Landmark 81, thì paid ads giống như mấy tầng 70 => 81, còn các tầng dưới và nền móng là sản phẩm, dịch vụ, con người, quy trình, system, branding, organic, automation… Nếu phần dưới không vững mà phần trên càng nặng (đốt nhiều tiền) thì càng nhanh sập.

Organic Marketing

Về Organic Marketing (marketing tự nhiên): chúng ta có SEO, Youtube, Facebook profile, Facebook community (fanpage & group), Instagram community, Email Marketing, CRM + Automation (tăng tỉ lệ chuyển đổi và khách hàng quay lại), bán hàng trên sàn TMĐT.

Nói về Organic, tôi tin rằng bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể triển khai ít nhất 3 kênh Organic Digital Marketing dưới đây.

Website

Thứ nhất là website, chưa nói đến chuyện SEO, kinh doanh thì phải có cái web thương hiệu trước đã. Website sẽ giúp khách hàng tin tưởng mình hơn. Website cũng là nơi mà chúng ta có thể tổng hợp kiến thức để chăm sóc khách hàng.

Website cung cấp không gian để khách tìm hiểu sản phẩm, doanh nghiệp kỹ càng hơn. Ngoài ra website giúp chúng ta tracking được hành vi khách hàng tốt hơn bất kỳ một kênh digital marketing nào khác. Khi đã tracking được hành vi khách hàng, chúng ta có thể triển khai các chiến dịch remarketing (tiếp thị lại) để chuyển đổi khách hàng một cách từ từ.

Với doanh nghiệp mới, tôi khuyên là nên sử dụng các nền tảng có sẵn như Haravan, Chili, Web Itop để làm website. Không nên dùng web tự code nếu như không có nhu cầu những chức năng đặc thù nào đó.

Nói về SEO thì các bạn có thể xem bài SEO là gì? Bản chất của SEO? Ai & khi nào nên làm SEO? để hiểu rõ về SEO.

doanh nghiệp phải có website để làm digital marketing

Có rất nhiều nền tảng giúp tạo Website nhanh gọn lẹ, đầy đủ chức năng, giá thành vừa phải.

YouTube

Thứ hai là YouTube, hiện tại lượng search trên YouTube đang tăng chóng mặt. Có những keyword có lượng search trên YouTube cao gấp đôi, gấp ba Google. Chứng tỏ người tiêu dùng ngày càng thích xem Video hơn là đọc chữ. Vì thế làm YouTube là tất yếu.

Facebook community

Thứ ba là Facebook community – xây cộng động Facebook. Bạn đừng nhầm lẫn giữa việc xây cộng đồng và quảng cáo bán hàng. Xây cộng đồng là cung cấp giá trị cho khách hàng, có nghĩa là cung cấp nội dung có hữu ích cho khách hàng chứ không phải là thông tin bán hàng.

Bạn có thể tham khảo bài viết 5 bước xây dựng Kế Hoạch Nội Dung Facebook cơ bản để biết cách tạo nội dung xây dựng và chăm sóc cộng đồng.

2 lý do vì sao ít người triển khai Digital Marketing Đa Kênh

Quay lại chủ đề của bài viết. Vấn đề quan trọng là ai cũng biết phải làm đa kênh, mà sao lại ít người làm?

Thứ nhất là lười, vẫn đang ỷ y vào kênh hiện tại vì doanh số vẫn ổn, chưa có dấu hiệu nguy hiểm. Cái này thì phải nhờ tư vấn để họ chỉ ra đâu là điểm yếu và viễn cảnh tương lai thì mới biết sợ mà làm.

Thứ hai là ngại, vì chưa từng làm nên không biết làm ra sao. Cái này thì dễ thôi, không biết thì đi học. Học không phải để về làm, mà học để biết nó là gì, làm như thế nào, quản lý ra sao rồi thuê agency hoặc cho nhân viên làm. Nếu mình không biết gì mà đi thuê ngoài thì đồng nghĩa với việc đốt tiền. Làm kinh doanh thì phải học nhiều lắm, học hoài, học mãi.

Mấy cái về digital marketing và kinh doanh online cơ bản thì mọi người cứ tới IM Group, Vinalink mà học hoặc là tự tìm hiểu trên ABC Digi.

Lời kết

Tôi mong rằng nếu bạn đang phụ thuộc vào 1 kênh digital marketing, 1 kênh bán hàng duy nhất thì bạn nên suy nghĩ khai thác thêm các kênh khác. Mình nên chủ động chuẩn bị từ trước, vì rủi ro có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng, không nên để đến lúc sự cố xảy ra rồi mới bị động đối phó, có khi chết bất đắc kỳ tử trước khi kịp nghĩ ra phương án đối phó. Bạn nên dành ra khoảng 20%-30% ngân sách marketing để xây dựng một hoặc hai kênh mới bên cạnh kênh chiến lược đang có.

Ngoài ra, digital marketing đa kênh không phải là phải lúc nào cũng trên nhiều nền tảng, vẫn có thể làm đa kênh trên 1 nền tảng. Ví dụ, thay vì có 1 website thì mình làm chục cái web. Thay vì xây 1 kênh YouTube thì mình xây vài kênh YouTube. Facebook cũng vậy, thay vì có 1 fanpage thì mình có nhiều fanpage. Tuy cách này tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là đa kênh trên đa nền tảng, nhưng ít nhất thì vẫn tốt hơn nhiều so với việc mình bị phụ thuộc vào 1 cái duy nhất.

Xem thêm: 35+ Sách Hay về Marketing tôi đã đọc trong 6 năm qua

Bài viết này có hữu ích với bạn không? Hãy cho tôi biết đánh giá của bạn nhé!
[Tổng: 11 Trung bình: 4.9]

0 Lời bình