SEO là gì? Bản chất của SEO? Ai & khi nào nên làm SEO?

bởi | 16.12.2020 | SEO


SEO viết tắt của Search Engine Optimization, dịch ra có nghĩa là Tối Ưu Cộng Cụ Tìm Kiếm. Thế nhưng, hiểu đúng thì phải là tối ưu website cho công cụ tìm kiếm có thể đọc, hiểu và tin tưởng nội dung của chúng ta, từ đó công cụ tìm kiếm sẽ cho nội dung trên website của chúng ta lên trang nhất trong kết quả tìm kiếm của họ.

Trên thế giới có hơn 100 loại công cụ tìm kiếm, nhưng phổ biến nhất là Google, Bing, Yahoo, Yandex, Baidu, Ask.com. Ở Việt Nam, khi nhắc đến công cụ tìm kiếm, chúng ta nói chính đến Google vì Google chiếm hơn 90% lưu lượng tìm kiếm ở Việt Nam (theo Statcounter) .

Các công cụ tìm kiếm phổ biến

Trên thế giới có hơn 100 công cụ tìm kiếm, nhưng ở Việt Nam, Google chiếm hơn 90% thị phần tìm kiếm.

Trong khuôn khổ bài viết này, khi nói đến search engine / công cụ tìm kiếm là tôi nói đến Google và ngược lại, khi nói đến Google là nói đến công cụ tìm kiếm.

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn một vài điểm quan trọng sau để bạn hiểu rõ về SEO.

  • Bản chất của Google
  • Bản chất của SEO
  • Sơ lược về 3 yếu tố quan trọng nhất của SEO
  • Phân biệt SEO từ khóa và SEO Tổng Thể
  • Những công ty và thời điểm phù hợp để làm SEO
  • Những nơi có thể làm SEO
  • Người làm SEO cần có kỹ năng, tố chất gì
  • Nguyên tắc để SEO thành công

[divi_library_shortcode id=”34963″]

Bản chất của Google

Khi chúng ta qua nhà người khác chơi mà không làm theo quy định, nội quy của nhà người ta thì họ sẽ đuổi chúng ta ra ngoài. Với Google cũng vậy, chúng ta chơi trên sân của Google thì chúng ta cần phải hiểu và tuân theo luật chơi của Google.

Mục tiêu hoạt động ban đầu của Google là giúp mọi người tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn. Bây giờ thì họ có thêm mục tiêu là làm sao kiếm nhiều tiền nhất từ người dùng.

Xem thêm: 12 Sai Lầm Nghiêm Trọng Newbie hay mắc phải khi Làm SEO

Các mối quan hệ trên Google

– Người cung cấp nội dung/publisher (chính là doanh nghiệp, blogger, báo chí): là người tạo ra những nội dung trên internet

– Người tìm kiếm thông tin (hay gọi là user/người dùng): là người lên Google tìm kiếm một thông tin nào đó.

– Google: người kết nối thông tin từ publisher cho user, nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin của user.

Cách Google kiếm tiền

User khi search trên google và được thỏa mãn nhu cầu thông tin sẽ tiếp tục search Google khi cần tìm thêm thông tin khác. Nếu Google vẫn tiếp tục đáp ứng được nhu cầu thông tin của user thì số lượng user sẽ ngày càng tăng lên vì ai cũng tin rằng search Google sẽ ra tất cả.

Khi Google có nhiều user như vậy, thì các doanh nghiệp sẽ nhờ Google giới thiệu sản phẩm/dịch vụ của họ tới các user (thông qua quảng cáo Google), và với mỗi lượt giới thiệu thành công (tức là user click vào kết quả do quảng cáo Google đề xuất) thì doanh nghiệp sẽ trả cho Google một khoản phí.

Như vậy, để kiếm được nhiều tiền thì Google phải thực hiện 3 việc:

1. Thu hút thêm nhiều user sử dụng Google

2. Thỏa mãn các user đó bằng những kết quả phù hợp (cả organic/kết quả tự nhiên và paid ads/quảng cáo)

3. Giúp doanh nghiệp phân phối quảng cáo tới tệp user đúng nhất để tạo ra chuyển đổi tốt nhất.

các mối quan hệ trên Google

Bản Chất của SEO là gì?

Như đã nói ở trên, để kiếm được nhiều tiền, Google phải thu hút thêm nhiều user sử dụng và giữ chân các user đó tiếp tục sử dụng Google.

Bạn hãy hình dung thế này, nếu bạn lên Google tìm kiếm về “ví nữ da bò“, nhưng Google lại dưa ra kết quả là “ví nam da bò“, vậy bạn sẽ thấy như thế nào? Có phải là bạn sẽ thất vọng đúng không? Nhiều lần thất vọng thì bạn sẽ không dùng Google nữa.

Mà nếu bạn không dùng Google, thì Google sẽ không có người để mà phân phối quảng cáo tới. Từ đó, nhà quảng cáo sẽ thấy rằng quảng cáo trên Google không hiệu quả nên sẽ không chạy quảng cáo Google nữa. Kết quả là Google mất doanh số.

Như vậy Google phải cho ra kết quả thỏa mãn nhu cầu thông tin mà user tìm kiếm để luôn giữ chân và phát triển user, từ đó tăng doanh thu từ quảng cáo.

Có 2 loại kết quả trên Google, 1 là organic – tức là kết quả tự nhiên và paid ads – tức là quảng cáo trả tiền. Ở đây, chúng ta chỉ nói về kết quả organic, vì đây chính là thành quả của SEO.

Vậy thì bản chất của SEO là làm sao để Google đánh giá rằng nội dung của chúng ta là phù hợp nhất với user, có thể thỏa mãn nhu cầu thông tin của user.

Để đánh giá nội dung nào là phù hợp nhất và tốt nhất cho người dùng, Google có hơn 200 tiêu chí và không một ai biết chắn chắn đó gồm những tiêu chí nào. Tuy nhiên trong các hướng dẫn SEO, Google luôn nhấn mạnh phải tăng “trải nghiệm người dùng” của nội dung.

Có thể hiểu là nội dung nào mang lại trải nghiệm tốt nhất, tức làm người dùng thỏa mãn nhất thì sẽ được coi là phù hợp nhất để đươc đặt lên top.

Đây cũng chính là lý do mà tôi luôn làm SEO bằng cách tối ưu trải nghiệm người dùng, chứ không phải tối ưu kỹ thuật cho Google.

Tối Ưu Trải nghiệm người dùng” là cụm từ bạn phải luôn luôn nhớ khi làm SEO.

Tôi tin rằng để lên top Google, việc đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là phải tạo ra những trải nghiệm tốt nhất, khiến người dùng thỏa mãn nhất với các nội dung của mình. Phương pháp SEO của tôi là tập trung tạo nội dung cho người dùng, chứ không phải cho Google.

Xem thêm:

Cách Google xếp hạng nội dung

cách google xếp hạng nội dung

Đây là sơ đồ cách Google xếp hạng nội dung. Chúng ta sẽ cùng đi vào từng mục ở bên dưới.

Thu thập dữ liệu

Đầu tiên, Google Bot– một robot trên nền tảng số của Google sẽ vào các website trên khắp internet để thu thập dữ liệu. Quá trình này gọi là crawl dữ liệu.

Sau khi đã crawl và thu thập dữ liệu, Google sẽ phân loại nội dung vào những chuyên mục của Google, quá trình này gọi là Indexlập chỉ mục.

Phân tích dữ liệu và đưa ra kết quả

Khi người dùng tìm kiếm một điều gì đó trên Google, chúng ta gọi là một truy vấn, thì Google sẽ dựa vào kho dữ liệu đã lập chỉ mục (index) để tìm ra những nội dung phù hợp nhất với truy vấn. Sau đó, Google đánh giá xem nguồn nội dung nào là uy tín nhất trong những nội dung phù hợp kia để trả lại kết quả cho người dùng.

Sau khi trả kết quả cho người dùng, Google sẽ tiếp tục đánh giá phản hồi, trải nghiệm của người dùng với những kết quả Google đã đưa ra. Những nội dung có phản hồi tốt, tạo trải nghiệm tốt cho người dùng thì sẽ được cộng thêm điểm phù hợp và uy tín.

Hiểu được cách vận hành của Google, chúng ta sẽ tối ưu sao cho Google dễ dàng tiếp cận thông tin trên website nhất. Tiếp theo chúng ta sẽ cung cấp những thông tin, bằng chứng, tín hiệu giúp Google tin tưởng website là một website uy tín, đáng tin cậy.

Google sẽ dùng hơn 200 yếu tố để đánh giá xem nội dung nào phù hợp và website nào là uy tín. Không SEOer nào dám chắc chắn các yếu tố đó là gì. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm, các SEOer gạo cội đã đúc kết được những yếu tố có khả năng tác động lớn đến việc xếp hạng. Chúng ta sẽ bàn thêm về các yếu tố này ở bên dưới.

SEO Tổng Thể khác gì SEO Từ Khóa Truyền Thống

Vào những năm 2015, khi nhắc đến SEO thì chỉ là SEO Từ Khóa, tức là SEO một vài từ khóa nhất định, làm sao để cho từ khóa đó lên top Google là thành công.

Thế nhưng ngày nay, việc có quá nhiều website cùng cung cấp nội dung hướng đến một số từ khóa nhất định khiến việc SEO trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài ra, Google cũng thay đổi thuật toán liên tục, nên phương pháp SEO cũ chưa chắc đã phù hợp để SEO những từ khóa đó lên top.

Tuy nhiên, ngoài những từ khóa cạnh tranh cao thì còn vô vàn các từ khóa khác liên quan dễ SEO hơn. Thay vì dành công sức để SEO 10 từ khóa khó, chúng ta có thể SEO tới 1000 từ khóa khác dễ hơn và có thể cho ra chuyển đổi cao hơn. Đây chính là phương pháp SEO Tổng Thể.

Với SEO Tổng Thể, chúng ta sẽ không tập trung vào vài từ khóa mà chúng ta sẽ tập trung vào cả Topic của những từ khóa đó. Lượng từ khóa lên Top và traffic đổ về website sẽ lớn hơn rất nhiều so với SEO Từ Khóa Truyền Thống.

Xem thêm: Quy Trình SEO Website Tổng Thể 11 Bước cho người Mới Làm SEO

3 nhóm yếu tố quan trọng nhất trong SEO

Như đã nói phía trên, Google có hơn 200 yếu tố xếp hạng, nhưng gom lại, chúng sẽ tập hợp vào 3 nhóm sau đây.

3 yếu tố quan trọng nhất trong SEO

Value

Value là tất cả những giá trị mà người dùng có thể trải nghiệm được trên website và cả trên Google. Đó là nội dung website, design, tốc độ load web, mẫu tối ưu SEO trên Google… Đây là yếu tố quan trọng nhất vì nó trực tiếp tạo nên sự thỏa mãn của người dùng.

Trust

Trust là sự tin tưởng của Google dành cho chúng ta. Chúng ta phải làm để Google đánh giá rằng website của chúng ta là đáng tin và chất lượng. Google càng tin tưởng thì website càng dễ lên top.

Traffic

Traffic, nói chính xác hơn là người dùng vào web, chính là thứ để Google đánh giá xem website của chúng ta có mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng hay không. Nội dung của chúng ta có Value nhiều đến đâu đi nữa mà không có traffic, không có người dùng vào tương tác thì Google cũng không biết là nội dung có thật sự giá trị hay không.

Thông thường, với nguồn lực hạn chế, chúng ta chỉ có thể chọn 1 hoặc 2 thứ trong 3 thứ trên để tập trung làm SEO. Và tùy vào từng SEOer mà họ sẽ tập trung vào nhóm yếu tố sở trường của họ. Từ 3 nhóm yếu tố này sẽ tạo ra 5 trường phái SEO phổ biến nhất: Seo Mũ Trắng (white hat SEO), SEO Mũ Đen (Black hat SEO), SEO Mũ Xám (Gray hat SEO), SEO kiểu con nhà giàu, SEO kiểu sáng tạo.

Xem thêm:

21 cách Tăng Traffic Cho Website – hỗ trợ SEO & ra Doanh Số

5 Trường Phái SEO – Lính Mới nên chọn cái nào?

Chi tiết về 3 Nhóm Yếu Tố SEO Quan Trọng Nhất 2021

Những nơi có thể làm SEO

Tất cả những nơi mà bot Google có thể crawl và index được nội dung, chúng ta đều có thể làm SEO.

1. Website của mình: đây chắc chắn là nơi chúng ta làm SEO chính, tuy nhiên ngoài website của mình, chúng ta có thể SEO trên những nền tảng dưới đây.

2. Website của đối tác: nếu như đối tác của chúng ta có website mạnh, nếu họ đăng vài bài PR hoặc bài nội dung về chủ đề của chúng ta thì cũng sẽ có khả năng lên top. Chúng ta sẽ điều hướng người dùng đọc các nội dung đó về lại website của chúng ta.

3. Báo chí: báo chí có độ trust cao, có khả năng SEO nhanh những từ khóa độ khó trung bình. Ngoài ra, một số từ khóa, chủ đề Google sẽ ưu tiên cho báo chí hơn các trang web tư nhân.

4. Youtube: SEO video Youtube

5. Mạng xã hội: một vài mạng xã hội như Medium, Linkedin, Facebook có chức năng đăng bài và tối ưu SEO như trên website. Vì điểm trust của các mạng xã hội này lớn, bài viết của chúng ta hoàn toàn có khả năng lên top.

6. Trang rao vặt, Forum: cũng giống như mạng xã hội, tuy nhiên điểm trust của các trang này thấp hơn.

Xem thêm: 9 Nơi Có Thể Làm SEO Hiệu Quả Ngoài Website

cơ bản về seo

SEO có vô vàn các cách để làm. Bạn nên tìm hiểu cặn kẽ bản chất của SEO, trải nghiệm vài dự án rồi bạn sẽ có được các riêng của mình. 

Doanh nghiệp nào nên làm SEO

Những doanh nghiệp có khả năng kinh doanh trên website thì đều nên làm SEO

Khả năng kinh doanh trên website tức là khách hàng sẵn sàng mua hàng, đặt dịch vụ trên website của bạn. Có một số ngành, sản phẩm, khách hàng thường không mua trên website, thì chúng ta không nên làm SEO.

Ví dụ: như xà bông, dầu gội đầu, giấy vệ sinh, những mặt hàng này khách hàng thường mua trên sàn thương mại điện tử. Không nên làm SEO cho những mặt hàng này.

Nếu bạn chưa biết chắc chắn những từ khóa cần SEO có tạo ra doanh số hay không, bạn hãy test bằng Google Ads trước. Nếu những từ khóa đó tạo ra doanh số thì hãy nên SEO.

Sau khi xác định là sản phẩm của chúng ta có thể kinh doanh trên website, chúng ta sẽ xét về nguồn lực để triển khai SEO để chọn phương án SEO phù hợp nhất.

Làm SEO đơn giản: dành cho doanh nghiệp có nhân viên content có thể viết bài website và muốn làm content trên website sao cho chuẩn chính, vừa để chăm sóc khách hàng, vừa để tạo nền tảng để SEO chuyên nghiệp sau này. Với hình thức này, doanh nghiệp sẽ không tốn nhiều chi phí, nhưng SEO tất nhiên sẽ chậm, và hiệu quả thấp.

Làm SEO chuyên nghiệp: Khi doanh nghiệp có nguồn tiền ổn định, sẵn sàng bỏ một ngân sách nhất định và chờ trong khoảng thời gian từ 3-12 tháng.

SEO để làm thương hiệu: có những doanh nghiệp lớn, SEO không phải vì doanh số, mà SEO để làm thương hiệu. Đây thường là những doanh nghiệp đầu ngành, và họ SEO những từ khóa ngắn, chung chung nhất của ngành, ví dụ như: du lịch, vé máy bay, áo thun, quần jean…, để khẳng định vị thế của thương hiệu trên online.

Những kỹ năng và tố chất cần có ở người làm SEO

Tố chất cần có: Kiên trì, không được nóng vội. Tỉ mỉ, cẩn thận. Thích làm digital marketing. Thích những thứ liên quan đến kỹ thuật. Ham học, liên tục cập nhật thông tin.

Kỹ năng cần có: khả năng viết bài tốt. Cảm nhận tốt về nội dung, khi nhìn vào từ khóa là hình dung ra người search muốn tìm thông tin gì. Khả năng đọc và phân tích số liệu. Chạy Google Ads cơ bản. Kiến thức làm website cơ bản, không cần biết code nhưng phải làm được website bằng WordPress.

4 Nguyên tắc để SEO thành công

Thật ra tôi thấy những nguyên tắc sau đây đúng với mọi khía cạnh trong cuộc sống và kinh doanh, chứ không phải mỗi SEO.

1. Lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực: hãy chọn trường phái SEO chính xác, chọn từ khóa chính xác để làm, lựa chọn sai sẽ khiến chúng ta làm mãi không ra kết quả.

2. Tập trung – kiên định: Khi đã xác định đúng trường phái mình phù hợp (Black, white hay gray đều được, tuy nhiên tôi vẫn khuyên bạn đi theo white) thì hãy tập trung vào trường phái đó, hãy đào sâu tìm hiểu và thực hành nó đến cùng.

3. Kiên trì: SEO là quá trình lâu dài, hãy vững tâm làm đúng và bạn sẽ có kết quả. Có những dự án đến tháng thứ 9, thậm chí có dự án qua 12 tháng mới bắt đầu có kết quả khả quan.

4. Đều đặn: Hãy cung cấp giá trị đều đặn, bạn không cần ngày nào cũng viết nội dung, có thể 3 bài/tuần hay 2 bài/tuần đều ok, tuy nhiên phải đều đặn.

Khi chúng ta tập thể hình, giả sử chúng ta tập trung vào tập bụng, ngày nào cũng tập bụng, chỉ tập bụng thôi, tập đều đặn trong 3 – 6 tháng, đảm bảo cơ bụng của chúng ta sẽ đẹp hơn. SEO cũng vậy, cứ tập trung, kiên trì và đều đặn với con đường đúng đắn thì chắc chắn sẽ ra kết quả.

Lời kết

Mong rằng bài viết này đã giúp bạn nắm rõ những khái niệm cơ bản nhất về SEO – Search Engine Optimization. Sau khi đọc bài này, bạn có thể xem thêm khóa học hướng dẫn làm SEO cơ bản cho người mới bắt đầu. Bạn cứ làm đúng theo hướng dẫn là sẽ có kết quả tốt.

Bài viết này có hữu ích với bạn không? Hãy cho tôi biết đánh giá của bạn nhé!
[Tổng: 28 Trung bình: 4.8]

0 Lời bình