3 Nhóm Yếu Tố SEO Quan Trọng Nhất 2021

bởi | 20.01.2021 | SEO, Foundation


Đến năm 2021, yếu tố nào là quan trọng nhất với SEO vẫn là vấn đề tranh luận của thế giới SEO. Google nói rằng họ có hơn 200 yếu tố để đánh giá xếp hạng SEO. Chúng ta không thể biết được chính xác những yếu tố đó là gì. Nhưng sẽ có một vài yếu tố cốt lõi mà chắc chắn chúng ta phải tối ưu để có kết quả SEO tốt.

Nếu bạn chưa rõ SEO là gì, bạn hãy đọc bài này trước: SEO là gì? Bản chất của SEO? Ai & khi nào nên làm SEO?

Sau 6 năm “thân kinh bách chiến” qua nhiều dự án, chiến dịch SEO, tôi đã rút ra được cho mình những kinh nghiệm quý giá cho mình. Với mỗi SEOer, mỗi trường phái SEO, các yếu tố quan trọng sẽ khác nhau. Tôi cũng có niềm tin vào một vài yếu tố nhất định. Và tôi chia các yếu tố đó thành 3 nhóm. 3 nhóm này giống như là kiềng 3 chân trong các dự án SEO của tôi. Tôi luôn tập trung tối ưu tốt nhất cho 3 nhóm này.

3 nhóm yếu tố này sẽ có 3 nhiệm vụ khác nhau, hiểu được nhiệm vụ của từng yếu tố thì bạn sẽ dễ dàng triển khai tối ưu chúng.

3 nhóm yếu tố đó là Value – Giá trị, Trust – độ tin cậy, và Traffic – truy cập. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ:

  • Phân tích chi tiết tại sao các nhóm yếu tố này quan trọng
  • 38 hạng mục quan trọng để tối ưu các nhóm yếu tố này
  • Chiến lược SEO phù hợp theo nguồn lực của bạn

3 yếu tố quan trọng nhất trong SEO

Bây giờ chúng ta sẽ cùng vào nhóm thứ nhất, đó là Value

[divi_library_shortcode id=”34963″]

Chân kiềng thứ nhất: Value – Giá trị

Mục tiêu của nhóm yếu tố này là việc tạo ra thật nhiều giá trị (Value) cho người dùng/khách hàng và Google.

Nhóm yếu tố về value bao gồm tất cả những yếu tố giúp mang lại trải nghiệm tốt nhất cho user khi họ ở trên website của chúng ta và cả khi họ ở trên Google (user ở trên Google và nhìn thấy kết quả từ website của chúng ta, từ kết quả đó mới ra quyết định có vào đọc hay không, vì thế việc tối ưu sự hiện diện của chúng ta trên Google cũng là một phần trải nghiệm của user).

Ngoài thỏa mãn khách hàng, nhóm yếu tố Value này cũng thỏa mãn các nhu cầu về mặt kỹ thuật của Google.

các thuật ngữ trong SEO

Google có hơn 200 hạng mục để đánh giá điểm SEO của một website, và không ai biết được chính xác 200 thứ ấy là gì.

Tôi thấy rằng hầu hết các phương pháp SEO khác sẽ gọi nhóm Value bằng 1 cái tên khác là On-page. Nếu bạn đã đọc các tài liệu về SEO, chắc chắn bạn không ít lần gặp qua thuật ngữ này, như tối ưu On-page, SEO On-page.

On-page là thuật ngữ được cả giới SEO chấp nhận, tôi cũng vậy. Nhưng On-page nó là cách thức triển khai, chứ không phải là mục đích. Bạn phải phân biệt được đâu là mục đích – tức là trả lời câu hỏi WHY “Tại sao tôi phải làm điều này?”, đâu là cách thức thực hiện – tức là trả lời câu hỏi HOW “Tôi sẽ làm điều này như thế nào?”

On-page là đáp áp cho câu hỏi HOW, không phải WHY. Các kỹ thuật On-page sẽ giúp tạo ra cả Value, một phần của Trust và một phần Traffic (tôi sẽ nói chi tiết ở phần dưới).

Xem thêm:

Bây giờ chúng ta đi vào các hạng mục để tối ưu Value. Value sẽ gồm 2 nhóm hạng mục nhỏ sau:

Nhóm 1: hạng mục về Tech – kỹ thuật

1. Website phải dễ dàng cho Google Bot crawl và index dữ liệu (sitemap và robot.text phải chuẩn)

2. Tốc độ load web phải thỏa mãn nhu cầu người dùng (code, hosting, cache)

3. Website phải tối ưu cho mobile (có responsive)

4. Cấu trúc Permanent Link (đường dẫn tĩnh) phù hợp.

5. Giao diện website phải gọn gàng, không rối mắt, tối ưu cho trải nghiệm người dùng

6. Điều hướng trên website phải dễ dàng để người dùng có thể tìm được nội dung họ cần một cách nhanh nhất.

7. Phông chữ và màu chữ phải dễ đọc, size vừa đủ to để người đọc thoải mái.

Nhóm 2: hạng mục về Nội dung

7. Nội dung đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của người dùng (Phù hợp, chính xác & chi tiết)

8. Tiêu đề hấp dẫn, phù hợp với nội dung bài viết và tối ưu cho SEO

9. Nội dung mới, không ngắn dưới 600 từ, không đạo văn

10. Nội dung dễ đọc, hạn chế sai chính tả, phân đoạn rõ ràng, có heading cho mỗi đoạn, làm nổi bật các từ khóa quan trọng. Xem thêm: 7 Bước & 8 Lưu Ý Viết Bài Chuẩn SEO

11. Hình ảnh đẹp, rõ nét, được tối ưu SEO. Xem thêm: 9 Bước và 9 Lưu Ý Tối Ưu SEO Hình Ảnh

12. Nên có thêm video từ Youtube.

13.liên kết nội bộ đến những nội dung mà người dùng có thể cần đọc thêm.

14. Xuất bản nội dung mới, chất lượng và đều đặn (ít nhất là 1 bài/tuần đối với những web đã SEO xong, những web đang SEO thì ít nhất là 3 bài/tuần). Việc làm nội dung mới liên tục vừa để cung cấp thông tin, kiến thức cho khách hàng của chúng ta, vừa để nói Google rằng website của chúng ta vẫn đang được chăm sóc và hoạt động tốt.

Xem thêm: 4 loại content Google luôn GHÉT & 6 loại Google luôn THÍCH

15. Cập nhật lại nội dung cũ ít nhất 6 tháng/lần cho những nội dung từ top 20 trở lên đối với web nhiều nội dung, với website ít nội dung hoặc nếu bạn có đủ nhân sự thì nên cập nhật hết. Việc cập nhật nội dung này đảm bảo nội dung của chúng ta luôn chính xác nhất, không bị lỗi thời. Và cũng chứng minh với Google rằng website đang được chăm sóc thường xuyên.

Với những website không được chăm sóc, tức là không có nội dung mới, nội dung cũ không được cập nhật, thì sau 3 tháng sẽ bắt đầu có hiện tượng rớt hạng từ khóa, sau 6-9 tháng sẽ rớt khoảng 3-5 hạng. Sau 12 tháng có thể bay khỏi trang nhất. Đây là quan sát của tôi với nhiều website tôi từng SEO và của các đồng nghiệp khác.

16. Tối ưu các meta tag (title và description): các thẻ này giúp bài viết của chúng ta hiện trên Google thu hút hơn, từ đó có nhiều traffic hơn. Tăng trải nghiệm người dùng ngay từ trên Google.

17. Tối ưu link bài viết: Google không thích những link dài ngoằng. Nên dùng các link ngắn gọn, nói được topic của bài viết.

Xem thêm: 6 bước & checklist Tối ưu On-page Bài Viết khi post lên website

18. Tối ưu dữ liệu cấu trúc: dữ liệu cấu trúc (feature snippet) giúp Google hiểu hơn về nội dung, và cũng có thể làm cho kết quả trên Google của chúng ta nổi bật hơn, từ đó thu hút nhiều traffic hơn.

dữ liệu cấu trúc feature snippet

Phần xếp hạng bài viết và phần câu hỏi bổ sung là 2 loại dữ liệu cấu trúc, giúp phần hiển thị kết quả trên Google nổi bật hơn.

19.kêu gọi hành động CTA (xem nội dung khác, comment, share bài viết, đánh giá, điền form, mua hàng,…), Google thích user tương tác với nội dung, vì đó là một trong những tín hiệu chứng tỏ nội dung có giá trị.

20. Tối ưu Google Maps của doanh nghiệp (Google My Business), kết quả của chúng ta trên Google cũng có thể là Map của doanh nghiệp chúng ta. Việc tối ưu để lên top Google Maps sẽ giúp mang lại nguồn traffic đều đặn và chất lượng.

Với những bạn mới làm SEO, nên tập trung làm thật tốt chân kiềng Value này trước khi nghĩ tới 2 chân kia. Vì nếu bạn làm tốt Value, cho đi giá trị thật nhiều thì có khi đã đủ để lên top rồi. Tôi biết nhiều website chỉ cần tập trung vào xây dựng Value và SEO lên nhiều nhóm từ khóa rất khó.

Tuy nhiên, việc chỉ tập trung vào Value thì bạn sẽ cần kiên nhẫn và kiên trì trong một khoảng thời gian dài trước khi có được kết quả. Vì thế bạn sẽ cần quan tâm một ít đến 2 chân kiềng còn lại để rút ngắn thời gian SEO.

Xem thêm: 9 Nơi Có Thể Làm SEO Hiệu Quả Ngoài Website

Chân kiềng thứ hai: Trust – độ tin cậy

Google cho chúng ta lên Top bởi vì Google tin tưởng rằng nội dung của chúng ta là tốt nhất, phù hợp nhất cho người dùng. Nếu chúng ta không làm cho Google tin tưởng thì sẽ mãi mãi không lên được top.

Nhiều người sẽ nhầm lẫn Trust với một thuật ngữ khác rất phổ biến trong SEO là Off-page. Off-page tức là những hoạt động SEO bên ngoài website của chúng ta, những thứ mà người dùng sẽ không nhìn thấy, không trải nghiệm được trên website. Off-page chủ yếu làm cho Google đánh giá.

Off-page là phương pháp, còn Trust là mục tiêu. Mục đích chính của các kỹ thuật off-page là để xây dựng Trust (ngoài ra mục đích phụ là để lấy Traffic – truy cập). Nhưng Trust không chỉ có SEO Off-page, một vài kỹ thuật trong On-page cũng giúp xây dựng Trust.

Google chấm điểm Trust này bằng nhiều yếu tố. Bao gồm:

21. Các link tham khảo trong bài viết. Trong bài viết, chúng ta nên có những link out trỏ về những trang web uy tín mà chúng ta tham khảo thông tin từ đó. Những link tham khảo này giúp Google hiểu rằng chúng ta đã nghiên cứu nội dung rất kỹ lưỡng từ những nguồn uy tín. Từ đó sẽ giúp Google tin tưởng nội dung của chúng ta hơn.

link out - link tham khảo

Các bài viết nền có trích nguồn tham thảo từ những website lớn, uy tín trong nước cũng như quốc tế.

Hạng mục link tham khảo này thuộc về SEO On-page, vì người dùng có thể nhìn thấy những link này, và có thể vào các link này để tìm hiểu thêm thông tin.

22. Mức độ thống nhất về nội dung. Ví dụ một website về đồ gỗ có 100 bài viết thì 100 bài đều nói về đồ gỗ sẽ có mức độ thống nhất về nội dung cao hơn một website có 1000 bài viết, trong đó có 900 bài về đồ gỗ và 100 bài về đồ nhựa.

Mức độ thống nhất về nội dung giúp Google thêm tin tưởng rằng website của chúng ta là một chuyên gia trong chủ đề này. Hạng mục xây trust này cũng thuộc về tối ưu On-page.

23. Có đủ các trang thông tin cơ bản trên website

Các trang thông tin cơ bản bao gồm trang giới thiệu, trang chính sách bán hàng, đổi trả hàng, hậu mãi, phương thức thanh toán, giao hàng, thông tin liên hệ.

Những trang thông tin cơ bản này phải được viết đầy đủ, rõ ràng. Khách hàng dễ dàng tiếp cận được trên website.

Những thông tin liên hệ và giới thiệu trên website cũng như trên các mạng xã hội phải đồng nhất với nhau.

các trang thông tin cơ bản trong website

Đây là những trang thông tin cơ bản mà hầu hết website nào cũng phải có, và bố trí nơi người dùng có thể dễ dàng tìm thấy nhất như trên header hoặc footer.

Bây giờ chúng ta sẽ nói đến các hạng mục tối ưu Off-page để xây dựng Trust

Backlink giống như là những lời giới thiệu của website khác dành cho website của chúng ta. Một website có nhiều backlink (những lời giới thiệu) từ những website uy tín và từ những website trong ngành thì chắc chắn sẽ được Google tin tưởng hơn.

Giả sử bạn đang cần kiếm một công ty xây dựng để xây nhà mình. Bạn dò hỏi và tìm hiểu thì thấy công ty A chuyên xây nhà được nhiều người nổi tiếng và nhiều kỹ sư, kiến trúc sư khen ngợi. Chắc chắn bạn sẽ tin tưởng công ty A đó hơn là một công ty B nào đó không có ai khen ngợi hay đề cập đến. Backlink hoạt động cũng giống như vậy. Về backlink, bạn sẽ cần:

24. Có backlink cần đa đạng về domain, lưu ý là các website đặt backlink đều phải có traffic đều đều (ít nhất 100 traffic/ngày), và không phải là website chuyên để bán link.

25. Có backlink từ báo chí (nếu có thể), đây là loại link mang lại Trust rất cao, nhưng chi phí cũng rất nặng. Tiền nào của nấy mà.

26. Có backlink từ các website cùng ngành, và website của các ngành có liên quan.

Về backlink, bạn nên đọc bài Backlink là gì? 6 cách đi link & 12 loại backlink chất lượng để tìm hiểu chi tiết.

Social Signal – Tín hiệu xã hội

Tín hiệu xã hội là những đề cập liên quan đến thương hiệu của chúng ta trên toàn bộ internet mà Google có thể index được. Để xây dựng tín hiệu xã hội, chúng ta có những cách sau:

27. Làm hệ thống mạng xã hội và thường xuyên post nội dung lên các mạng xã hội đó. Trên internet có rất nhiều chia sẻ về những danh sách vài trăm mạng xã hội để làm hệ thống. Tuy nhiên tôi chỉ làm ở 5 mạng xã hội chính là Facebook, Youtube, Medium, Linkedin, Twitter.

Tôi xây dựng nội dung chất lượng và tạo ra cộng đồng thực sự trên các mạng xã hội này, tư duy của tôi là làm ít mà chất còn hơn là nhiều một cách hình thức. Khi bạn có những cộng đồng chất lượng, họ sẽ thường xuyên nhắc đến bạn, đây là nguồn tín hiệu xã hội rất tốt và đều đặn.

các mạng xã hội quan trọng

Facebook, Youtube, Medium, Linkedin, Twitter là những mạng xã hội quan trọng, và có tác dụng rất tốt với SEO.

28. Viết bài chuyên môn cho báo chí hoặc các tạp chí chuyên ngành. Với loại bài này, có thể bạn sẽ không được chèn backlink về website, tuy nhiên bạn sẽ được đề cập đến thương hiệu của mình. Tìn hiệu từ những nguồn có uy tín lớn cũng sẽ hiệu quả hơn những nguồn có uy tín thấp.

29. Chia sẻ nội dung trên các diễn dàn, trang rao vặt, group/fanpage trên Facebook cho dù không được gắn backlink. Chỉ cần được nhắc đến thương hiệu của chúng ta cũng là tốt rồi.

Sau social signal sẽ là các yếu tố sau:

30. Độ uy tín của tác giả

Một nội dung được viết bởi một chuyên gia chắc chắn sẽ có uy tín hơn bài viết của một sinh viên mới ra trường. Vì thế hãy cho Google biết rằng các nội dung trên website chúng ta được tạo ra bởi một chuyên gia trong ngành.

Nên có phần thông tin tác giả dưới bài viết. Phần tác giả nên được link tới một page giới thiệu về tác giả. Trên page giới thiệu này sẽ có liên kết tới các profile mạng xã hội của tác giả và các bài báo tác giả đã viết hoặc được phỏng vấn. Trên các profile, tác giả phải chứng tỏ được bản thân mình là chuyên gia của nội dung được viết trên website thông qua các chia sẻ, và mức độ tương tác của cộng đồng với các nội dung đó. (Phần này kết hợp cả on-page và off-page)

trang thông tin tác giả

Nên có trang thông tin tác giả trong website

31. Có return user

Return user là những người đã từng vào website của chúng ta, sau đó họ vào lại nhiều lần để đọc nội dung trong một thời gian dài. Có nhiều return user chứng minh là nội dung website chất lượng vì nếu không chất lượng thì user sẽ không quay lại đọc.

Bạn có thể xây dựng tệp user này qua email, chatbot, hoặc trên hệ thống mạng xã hội của mình.

return visitor and new visitor

Có thể xem thống kê về new và return user/visitor trên Google Analytics.

32. Có truy cập trực tiếp (direct traffic)

Direct Traffic là những người vào website của chúng ta bằng cách tự gõ domain hoặc link website trên trình duyệt. Direct Traffic là tín hiệu có nhiều người quan tâm đến website của chúng ta. Nếu có nhiều người quan tâm thì chứng tỏ là website của chúng ta có giá trị. Có thể lấy Direct Traffic thông qua 2 cách:

Cách thứ nhất là chúng ta làm thương hiệu như PR báo chí, làm sự kiện, băng rôn, tờ rơi, standee, banner quảng cáo, tài trợ… user tiếp cận thông tin về chúng ta và thấy tò mò nên tự vào website để xem.

Cách thứ hai là từ return user, tức những người đã vào website của chúng ta, nay họ cần thêm thông tin nào đó nên họ vào lại.

truy cập từ mạng xã hội và trực tiếp

Truy cập từ mạng xã hội (Social) và truy cập trực tiếp (Direct) rất quan trọng với SEO. 

33. Có lượng tìm kiếm về từ khóa thương hiệu của chúng ta trên Google

Cũng giống như direct traffic, có nhiều lượt tìm kiếm thương hiệu chứng tỏ nhiều người quan tâm đến chúng ta.

Theo tôi đây là một yếu tố rất quan trọng trong việc xây dựng Trust. Tôi thấy rằng những website lớn, chiếm top 3 những từ khóa siêu khó luôn là những website của những thương hiệu lớn, có lượng tìm kiếm tên thương hiệu lên tới hàng chục ngàn mỗi tháng.

Cách xây lượng tìm kiếm tên thương hiệu và cách xây direct traffic là một. Chỉ khác là trong trường hợp này, user không nhớ rõ domain hay link của website mà chỉ nhớ tên thương hiệu của chúng ta và lên Google tìm kiếm.

Xem thêm: 12 Sai Lầm Nghiêm Trọng Newbie hay mắc phải khi Làm SEO

Chân kiềng thứ ba: Traffic – truy cập

Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong SEO mà Google luôn luôn nhấn mạnh đó trải nghiệm người dùng trên Google cũng như trên website của chúng ta. Việc tạo ra trải nghiệm người dùng thật tốt thuộc về nhóm yếu tố Value.

Thế nhưng Google sẽ không thể đánh giá các yếu tố Value có thật sự là có giá trị hay không nếu như không có người dùng vào xem và tương tác với nội dung của chúng ta. Để có người dùng vào website có nghĩa là chúng ta phải có truy cập hay gọi là traffic. Traffic càng nhiều và đều đặn, càng đúng tệp đối tượng thì Google càng dễ đánh giá điểm Value cho các nội dung.

Vì thế Traffic chính là yếu tố quan trọng thứ 3 trong SEO. Để xây dựng traffic chất lượng và đều đặn, chúng ta sẽ có những cách sau:

34. Chạy quảng cáo: sử dụng Google Ads và Facebook Ads để lấy traffic luôn là một phần quan trọng trong quá trình SEO. Điểm mạnh của phương pháp này là chúng ta sẽ tiếp cận được đúng tệp khách hàng có quan tâm đến nội dung của chúng ta. Điểm yếu là chúng ta phải có ngân sách cho việc này, hoặc là SEO phải kết hợp với Ads trong một chiến dịch tổng thể.

35. Xây dựng cộng đồng: nếu chúng ta có thể tự xây được những group Facebook, Fanpage, Proflie chất lượng cùng chủ đề thì việc lấy traffic từ cộng đồng không có gì là khó. Chỉ cần post bài là sẽ có traffic vào web.

traffic từ post facebook

Đây là kết quả khi chia sẻ một link bài viết lên Fanpage cộng đồng của tôi. Fanpage này có hơn 140k like page. Bài post này tiếp cận được gần 8000 người, và có 985 traffic về website trong vòng 3 ngày. Hoàn toàn tự nhiên, không tốn một đồng quảng cáo. Nếu bạn có những cộng đồng mạnh, việc lấy traffic và signal từ social là rất dễ dàng.

Nếu bạn không có sẵn cộng đồng, hãy tham gia các cộng đồng có sẵn. Bạn nên chia sẻ giá trị trước khi post link bài viết lấy traffic. Hoặc bạn có thể bình luận link bài viết của bạn vào những post có cùng chủ đề.

36. Làm thương hiệu: làm PR báo chí, sự kiện online và offline để nhiều người biết đến thương hiệu, website của bạn, sẽ có những người tò mò tự vào website của bạn xem nội dung.

37. Xây dựng tệp độc giả trung thànhchăm sóc bằng automation

Trong số những người vào website của chúng ta, chắc chắn sẽ có những người đâm đắc với nội dung của chúng ta nếu như nội dung thật sự chất lượng. Họ sẽ có nhu cầu được thông báo mỗi khi có nội dung mới. Chúng ta nên làm cách nào đó để lấy được thông tin của họ như email để gửi thông báo cho họ ngay khi có nội dung mới.

Việc cài đặt để tự gửi email hay chatbot mỗi khi có nội dung mới, hoặc gửi cập nhật định kỳ (mỗi tuần 1 lần, mỗi tháng 2 lần, vào những ngày nhất định trong tháng…) không phải là quá phức tạp. Nhiều nền tảng còn cho phép chúng ta làm việc này miễn phí.

Ví dụ như Zoho Campaign hay Mailchimp cho phép chúng ta chăm sóc miễn phí 2000 địa chỉ email, với gửi đối đa 12000 email mỗi tháng. ABC Digi đang sử dụng Zoho Campaign để làm Email Automation.

Về chatbot thì tôi thấy Ahachat rất ok, ABC Digi cũng đang dùng Ahachat để làm Chatbot Automation. Ahachat cho phép gửi miễn phí tối đa 1000 tin nhắn tự động qua messenger mỗi tháng.

traffic từ chatbot

Đây là thống kê của vài chiến dịch gửi update thông tin cho độc giả thông qua chatbot. Có thể thấy là tỉ lệ đọc tin nhắn rất cao, toàn trên 90% và tỉ lệ click vào link để đọc thông tin lên tới hơn 20%. Đây là nguồn return user và traffic vô cùng hiệu quả.

Chỉ cần dùng gói Free cũng những nền tảng trên là bạn có thể tạo ra nguồn traffic rất đều đặn, chất lượng và miễn phí cho website của mình. Bạn có thể đăng ký nhận bản tin từ ABC Digi để trải nghiệm về phương pháp này (Form đăng ký ở cuối bài viết).

Nguồn traffic từ những độc giả trung thành này rất quan trọng. Nó vừa mang lại traffic, vừa mang lại return user (một yếu tố rất quan trọng trong xây dựng Trust).

38. Ngoài ra, traffic có thể đến từ internal link – liên kết nội bộ. Việc điều hướng traffic từ những nội dung đã lên top và có nhiều traffic sang những nội dung mới sẽ giúp những nội dung mới có thêm nguồn traffic rất chất lượng. Chúng ta cần phải tận dụng từng traffic vào website, vì có thể đó là lần đầu cũng là lần cuối họ vào website của chúng ta.

Tôi có viết một bài chi tiết về 21 cách tăng traffic cho website, vừa hỗ trợ SEO, vừa ra doanh số. Bạn hãy đọc thêm bài này nhé.

Chiến lược SEO cho người mới bắt đầu

Với người mới làm SEO, chắc chắn sẽ không có đủ nguồn lực về kiến thức, tài chính và hệ thống để tối ưu hết cả 3 chân kiềng Value, Trust và Traffic. Bản thân tôi sau hơn 5 năm làm SEO chuyên nghiệp cũng chưa có đủ nguồn lực nói chi những người mới vào nghề.

mới làm SEO thì đi theo hướng nào

Mới làm SEO, nên đi theo hướng nào?

Vì thế, nếu bạn là người lính mới, bạn phải chọn 1 chân kiềng để tìm hiểu thật kỹ và làm thật tốt. Tôi khuyên bạn nên chọn Value để làm, vì đây là chân kiềng quan trọng nhất và cũng là cốt lõi của SEO.

Khi bắt đầu dự án SEO. Bạn nên liệt kê hết những nguồn lực có sẵn dựa theo các yếu tố trong bài viết này. Sau đó dành 80% ngân sách, thời gian cho việc phát triển các phần còn thiếu của Value. 10% bạn dành cho Trust, và 10% dành cho Traffic.

Bạn nên đọc thêm các bài:

Lời Kết

Đây là một trong những bài viết tâm huyết nhất của tôi. Tôi dành ra gần 1 tháng để viết, sửa đi, sửa lại mấy chục lần. Đến lúc post lên web cũng phải sửa lại thêm gần 20 chục lần nữa mới vừa ý.

Vì thế, tôi rất mong là bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được bản chất của SEO và những yếu tố quan trọng nhất trong SEO. Đây là những kiến thức nền tảng vô cùng quan trọng để bạn làm SEO hiệu quả và bền vững.

Trên internet, kiến thức về SEO có rất nhiều, để biết cái nào đúng, cái nào sai, cái nào nên dùng, cái nào không thì bạn phải hiểu bản chất của SEO, và hiểu được mục đích cốt yếu của từng kỹ thuật từ đó mà áp dụng. Bạn đừng nên làm theo số đông, thấy ai cũng làm nên mình làm theo, khi mà chưa hiểu cốt lõi của vấn đề.

Nếu bạn là người mới làm SEO, hoặc chưa nắm vững về SEO thì bạn hãy đọc đi đọc lại bài viết này nhiều lần. Nếu có thắc mắc nào, hãy bình luận hoặc gửi câu hỏi cho tôi. Tôi sẽ cố gắng trả lời ngay khi có thể.

Chúc bạn thành công.

Nội dung tham khảo:

Bài viết này có hữu ích với bạn không? Hãy cho tôi biết đánh giá của bạn nhé!
[Tổng: 44 Trung bình: 4.7]

0 Lời bình