6 bước & checklist Tối ưu On-page Bài Viết SEO khi post lên website

bởi | 11/01/2021 | SEO, Level B, On-Page


Trước khi đi vào chi tiết các bước cơ bản để tối ưu on page bài viết chuẩn SEO, chúng ta cần phải hiểu rõ on-page là gì, nó tác động như thế nào đến SEO và tới người dùng. Khi hiểu được on-page là gì, chúng ta sẽ dễ dàng tối ưu chúng. Ngoài những kỹ thuật tôi hướng dẫn dưới đây, bạn có thể sáng tạo ra thêm khi đã hiểu rõ on-page là gì và nguyên tắc tối ưu.

Sơ lược về On-page trong SEO

On-page là gì?

On-page là tất cả những yếu tố trên website tác động đến trải nghiệm của người dùng, cũng như tác động đến khả năng thu thập dữ liệu của Google bot, cũng như bot của các công cụ tìm kiếm khác.

Bot là một robot được lập trình của các công cụ tìm kiếm, được tạo ra để tự động thu thập và xếp loại thông tin từ các website trên internet.

Ngoài bot của Google, còn có bot của các công cụ tìm kiếm khác (search engine) như Yahoo, Bing, DuckDuckGo

Các công cụ tìm kiếm phổ biến

Ngoài Google, còn có rất nhiều công cụ tìm kiếm khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Google chiếm 90% thị phần tìm kiếm.

Trong on-page, có 3 nhóm yếu tố chính là:

1 – Yếu tố kỹ thuật: code web gọn gàng và tối ưu, hosting chất lượng cao giúp tăng tốc độ load web, bảo mật SSL, các thẻ noindex/nofollow/canonical được sử dụng hợp lý, sitemap, robot.txt, cấu trúc link.

2 – Thiết kế: giao diện website thân thiện, phù hợp cho cả destop, tablet và mobile. Màu sắc font chữ, size thân thiện, mang lại cảm giác thoải mái cho người đọc. Thiết kế điều hướng của website hợp lý, giúp người dùng dễ dàng tìm ra nội dung cần thiết trên web.

3 – Nội dung: giá trị cung cấp cho người dùng (nội dung hiển thị trên website, trên Google và trên Mạng xã hội). Giúp người dùng thỏa mãn một nhu cầu nào đó như tìm kiếm thông tin, học, giải trí, mua sắm.

Khoá học miễn phí

ABC SEO – SEO Tổng Thể Cho Người Mới Bắt Đầu

Giúp bạn có tư duy và kiến thức nền tảng quan trọng, có được hình dung chính xác nhất về SEO, lên được kế hoạch SEO và triển khai SEO bài bản.

On-page ảnh hưởng như thế nào đến SEO?

Trong bài 3 nhóm yếu tố quan trọng nhất trong SEO, tôi đã phân tích kỹ 3 về nhóm Value – Giá trị, Trust – Độ tin cậy, và Traffic – truy cập. Việc tối ưu on-page sẽ giúp tăng điểm cho cả 3 nhóm yếu tố này, đặc biệt là cho nhóm Value.

Nhiều SEOer sẽ coi On-page là một trong những yếu tố quan trọng của SEO. Tôi thì có tư duy khác. Với tôi, On-page không phải là yếu tố, mà là những công việc chúng ta cần làm để củng cố những yếu tố quan trọng của SEO, đó là Value, Trust và Traffic. Bạn hãy đọc bài viết phía trên để hiểu hơn về tư duy của tôi.

3 yếu tố quan trọng nhất trong SEO

Tuy nhiên, tôi hoàn toàn đồng ý rằng việc tối ưu on-page tốt sẽ ảnh hưởng rất tích cực đến SEO. Với phương pháp của tôi, tôi dành trên 60% nguồn lực (ngân sách & thời gian) cho on-page. Với những dự án dễ, tôi dành tới 80% nguồn lực cho on-page.

Nếu như bạn đang làm SEO theo hướng dẫn của tôi trong Khóa Học SEO Cơ Bản thì bạn hãy dành 80%-90% nguồn lực để làm on page. Vì những chủ để tôi hướng dẫn bạn nghiên cứu và làm đều thuộc loại dễ SEO.

Tối ưu onpage là gì?

Tối ưu onpage là làm cho tất cả các yếu tố liên quan đến trải nghiệm người dùng trở nên tốt nhất có thể, và giúp bot của Google nhận biết và thu thập nội dung dễ dàng nhất.

Tức là chúng ta sẽ tối ưu tất cả các yếu tố kỹ thuật website, yếu tố về design, và quan trọng nhất là yếu tố về nội dung.

Vì ở Việt Nam, Google chiếm hơn 90% thị phần tìm kiếm (Theo Statcounter), nên bài viết này sẽ tập trung nói về cách tối ưu Onpage cho Google. Từ giờ khi tôi nói bot, tức là Google Bot.

search engine bot luôn thích nội dung được tối ưu tốt

Search engine bot luôn thích nội dung được tối ưu tốt.

Tối ưu onpage bài viết là gì?

Bây giờ chúng ta sẽ quay lại nội dung chính của bài hướng dẫn này – tối ưu onpage chuẩn SEO cho bài viết.

Bài viết thuộc về nhóm Nội dung, tối ưu on-page bài viết là một phần công việc của tối ưu on page website. Việc tối ưu onpage cho bài viết sẽ vừa giúp cho người đọc dễ dàng tiếp cận thông tin chất lượng, vừa giúp bot của các công cụ dễ dàng hiểu nội dung của chúng ta.

Khi bot của Google dễ dàng hiểu được nội dung của chúng ta, Google sẽ dễ dàng thu thập và phân loại nội dung vào những chuyên mục phù hợp trong kho lưu trữ của cua Google.

Khi người dùng có trải nghiệm tốt với bài viết, những chỉ số về trải nghiệm người dùng sẽ cao (Time on page – thời gian ở trên trang, scroll rate – tỷ lệ cuộn trang & interaction – các tương tác với nội dung như xem video, tải hình, chat, liên hệ, điền form), giúp Google đánh giá tốt cho nội dung của chúng ta.

Khi tối ưu Onpage cho bài viết, chúng ta sẽ chú ý đến 3 nơi mà bài viết sẽ hiển thị với người dùng. Nơi thứ nhất là trên website của chúng ta, nơi thứ hai là trên Google (gọi là SERP – Search Engine Results Page – Kết quả hiển thị trên công cụ tìm kiếm), thứ ba là trên Mạng xã hội. Việc tối ưu onpage cho bài viết chính là tối ưu cho sự hiện diện của bài viết ở cả 3 nơi này.

Mẫu nội dung hiển thị trên Google

Mẫu nội dung hiển thị trên Google

Mẫu nội dung hiển thị trên mạng xã hội (Facebook)

Mẫu nội dung hiển thị trên mạng xã hội (Facebook)

Vậy là chúng ta đã đi qua phần lý thuyết tổng quan về tối ưu onpage và tối ưu onpage cho bài viết. Mong rằng bạn đã hiểu tại sao chúng ta cần phải làm những việc này. Bây giờ chúng ta sẽ đi vào các bước chi tiết tối ưu on page cho bài viết.

Với tối ưu về kỹ thuật và giao diện, chúng ta có thể làm chuẩn một lần rồi thôi, nên chúng ta có thể thuê những đơn vị chuyên nghiệp làm.

Còn với tối ưu onpage bài viết, bạn sẽ phải làm đều đặn mỗi khi post bài lên website, vì thế bạn cần nắm vững những kỹ thuật tối ưu dưới đây để đảm bảo tất cả bài viết trên website của bạn đều thân thiện cho cả người dùng và bot Google.

Nhận checklist 62 hạng mục tối ưu onpage bài viết

Click vào nút Click Here để nhận checklist 62 hạng mục tối ưu onpage cho bài viết.

3 Bước tối ưu Onpage chuẩn SEO cơ bản cho bài viết

Bước 01: Viết bài chuẩn SEO

Đây là bước quan trọng nhất, khi đã có bài viết chuẩn SEO, việc tối ưu onpage cho bài viết sẽ trở nên vô cùng dễ dàng. Tôi đã viết một bài hướng dẫn chi tiết cho riêng bước này, bạn hãy đọc bài 7 bước và 8 lưu ý để viết bài chuẩn SEO.

Bước 02: Tối ưu SEO cho hình ảnh

Cũng giống như bước viết bài chuẩn SEO, ABCDigi cũng đã có một bài hướng dẫn chi tiết, bạn hãy đọc bài 9 Bước và 9 Lưu Ý Quan Trọng Tối Ưu SEO Hình Ảnh.

Bước 03: Tối ưu onpage bài viết khi post lên website

Dưới đây sẽ là hướng dẫn chi tiết các bước tối ưu on page cho bài viết khi đăng lên website.

Hiểu cách Bot Google đọc nội dung trên website

Trước khi đi vào các bước chi tiết, tôi sẽ nói sơ qua cách Google Bot đọc bài của bạn. Hiểu được cách bot đọc và thu thập nội dung, chúng ta sẽ biết cách tối ưu nội dung sao cho tốt nhất cho bot.

Khác với con người chúng ta, bot là những cỗ máy được lập trình để đọc nội dung từ trong mã nguồn (source) của web, chứ không phải đọc trên giao diện website như chúng ta.

Mã nguồn là nơi mà bot sẽ đọc nội dung của chúng ta

Đây là nơi mà bot sẽ đọc nội dung của chúng ta.

Để kiểm tra mã nguồn website, bạn ấn tổ hợp phím Ctrl + U. Với Macbook, bạn ấn tổ hợp phím Command + Option + U.

Đi vào các phần hướng dẫn bên dưới, bạn sẽ hiểu rõ hơn cách bot đọc nội dung trên website.

6 bước tối ưu onpage bài viết khi post lên website

1. Tối ưu thẻ Meta Title – phần tiêu đề hiện trên Google

Đây chính là phần tiêu đề của bài viết sẽ hiện trên Google hay còn gọi là SERP – Kết quả hiển thị trên trang tìm kiếm. Tiêu đề trên SERP và tiêu đề trên website có thể khác nhau.

hiển thị trên SERP của bài viết

Đây là cách hiển thị trên SERP của bài viết

Mục đích tối ưu Meta Title: tạo ấn tượng cho người dùng, tăng CTR cho website. Giúp người dùng và Google hiểu về nội dung chính của bài viết.

Để tối ưu Meta Title, bạn cần chú ý:

1.1. Tiêu đề chứa tối đa 60 ký tự.

Hầu hết các nền tảng web phổ biến đều có chỗ cho chúng ta tối ưu phần này, và có đo lường về số ký tự cho chúng ta. Tuy nhiên, nếu như nền tảng website của bạn không có, bạn có thể dùng hàm Len trong excel để tính ra số ký tự trong tiêu đề.

tối ưu tiêu đề cho bài viết chuẩn SEO

Google cho chúng ta khoảng 580px để hiện tiêu đề trên trang kết quả. Chúng ta có thể quy 580px ra khoảng 60 ký tự, tức là 10 – 12 từ.

1.2. Ưu tiên để từ khóa ra đầu tiêu đề.

Với tiêu để trên website, chúng ta có thể để từ khóa ở vị trí khác để tiêu đề hay hơn, nhưng với tiêu đề trên SERP, chúng ta nên để từ khóa lên đầu, nó sẽ giúp người đọc có ấn tượng nhanh hơn với nội dung của chúng ta.

tối ưu tiêu đề cho bài viết chuẩn SEO

Tiêu đề này đã được tối ưu, từ khóa đưa ra trước tiên, nói lên 2 nội dung chính của bài là lợi ích và cách làm. Vừa đủ 60 ký tự, và nằm trong 578px.

1.3. Làm nổi bật Meta Title bằng ký tự đặc biệt nếu có thể.

Chỉ nên dùng cho những tiêu đề ngắn, có thể chen thêm ký tự đặc biệt. Tôi hay dùng dấu [ ] để làm nổi bật từ khóa của bài viết.

làm nổi bật meta title

Nên làm nổi bật meta title bằng ký tự đặc biệt nếu có thể

Mục đích: giúp người dùng và bot dễ dàng nhận biết nội dung chính của bài

Link bài viết là từ khóa chính của bài.

Link được viết không dấu, cách nhau bằng dấu gạch. Bạn phải viết đúng theo quy chuẩn này. Nếu bạn viết sai thì link sẽ rất xấu và không thân thiện với bot Google.

tối ưu link bài viết

Đây là link bài viết chuẩn SEO, là từ khóa bài viết, viết không dấu, cách nhau bằng dấu gạch “-“

3. Tối ưu Meta Description – phần mô tả nội dung hiện trên Google

Nếu như chúng ta không tối ưu phần thẻ Meta Description này, thông thường Google sẽ tự lấy những dòng đầu của nội dung. Tuy nhiên hiện nay Google đã thông minh hơn, nó sẽ tự tìm đoạn nội dung phù hợp với nhu cầu tìm kiếm của người dùng để hiện trong phần Description này.

Nếu bài viết của bạn lên top nhiều từ khóa khác nhau, thì khi người dùng search những từ khóa khác nhau đó, phần description có thể sẽ khác nhau.

Nói như vậy không có nghĩa là bạn không cần tối ưu cho phần này. Bạn nên tối ưu để Google lấy đây là bản mô tả chuẩn, từ đó hiểu rõ hơn nội dung của bạn. Ngoài ra, nếu như Google sử dụng phần mô tả này, bạn có thể làm tăng CTR cho nội dung thông qua việc viết đoạn mô tả hấp dẫn.

Để tối ưu phần Description này, bạn cần làm những điều sau:

3.1. Meta Description mô tả sơ lược nội dung bài viết và một vài ý quan trọng nhất

3.2. Viết Meta Description trong vòng 160 ký tự (hoặc trong vòng 920px)

tối ưu meta description cho bài viết

3.3. Meta Description phải chứa từ khóa chính

3.4. Meta Description có chứa ít nhất 1 từ khóa phụ

3.5. Meta Description nên chứa thương hiệu của bạn

3.6. Meta Description nên có kêu gọi hành động như xem thêm, xem ngay, click vào đây…

tối ưu meta description cho bài viết

Đây là một mẫu meta description đã được tối ưu theo các điều bên trên.

4. Tối ưu phần mở bài

4.1. Tô đậm từ khóa chính trong mở bài

Việc làm từ khóa chính nổi bật trong bài viết giúp cho người đọc biết rằng mình đã tìm đúng nội dung, ngoài ra cũng sẽ giúp bot nhanh chóng nhận biết thêm thông tin quan trọng.

4.2. Nên chèn link của bài viết vào từ khóa chính

Hiện nay có nhiều tool tự quét nội dung trên internet và đăng lại trên một trang web nào đó. Việc chèn link bài viết vào từ khóa chính của bài có thể giúp chúng ta có một backlink, hoặc giúp Google nhận biết đâu là nội dung gốc.

4.3. Tô đậm từ khóa phụ trong mở bài

tối ưu onpage phần mở bài

Đây là phần mở bài đã được tối ưu. Từ khóa chính là “nhụy hoa nghệ tây ngâm mật ong”.

5. Tối ưu thân bài

5.1. Đặt định dạng đúng cho các tiêu đề phụ

Các tiêu phụ trong bài nên được định dạng bằng các heading 2, 3, 4 (H2, H3, H4). Còn tiêu đề bài chính thì mặc định là heading 01, tức là thẻ H1, cũng là thẻ Title, bạn không cần phải can thiệp, trừ khi website của bạn không được mặc định sẵn (hầu hết các nền tảng web hiện tại đều cài đặt mặc định điều này).

cách đặt định dạng cho nội dung

Chức năng soạn thảo văn bản trên các nền tảng website hiện nay đều có đầy đủ phần lựa chọn định dạng heading này. Nhiệm vụ của bạn là chọn cho đúng mà thôi.

Bot sẽ dựa vào các thẻ heading này để nhận biết cấu trúc nội dung của bài viết. Ví dụ với nội dung nào được đặt trong thẻ Title hoặc h1 thì Bot sẽ nhận đây là tiêu đề bài viết, là một trong những yếu tố quan trọng nhất của bài viết. Nếu 1 bài có hơn 1 thẻ heading 1 (H1) thì Bot sẽ bị khó khăn không biết đâu là tiêu đề chính của bài. Vì thế bạn phải cẩn thận, không định dạng thẻ Heading 1 (H1) cho các tiêu đề phụ.

Tiếp theo đó, bot sẽ đọc đến các tiêu đề phụ và xác nhận mỗi tiêu đề phụ này là đại diện cho một phần nội dung quan trọng của bài viết. Sau đó, bot sẽ nhận diện các ký tự được làm nổi bật (tô đậm, gạch chân, màu sắc khác, để trong định dạng trích dẫn – quote) và cân nhắc chúng là những từ khóa quan trọng của nội dung.

Bạn hãy hình dung khi chúng ta đọc sách. Chúng ta hay xem lướt qua mục lục trước khi đi vào nội dung chi tiết. Cách Bot đọc bài viết cũng vậy, nó sẽ đọc trước các thẻ title, heading. Nếu bạn tối ưu đúng, bot Google sẽ dễ dàng nhận dạng nội dung của bạn để xếp vào các danh mục dữ liệu của Google.

thẻ heading 01 - h1

Thẻ Heading 1 (h1), cũng chính là tiêu đề của bài viết (xem trong source website)

thẻ heading 02 - h2

Thẻ Heading 2 (h2), là một tiêu đề phụ của bài viết (xem trong source website)

chọn định dạng heading đúng cho tiêu đề phụ

Đây là những gì người dùng nhìn thấy.

chọn định dạng heading đúng cho tiêu đề phụ

Còn đây là những gì bot đọc.

Ngoài ra, việc định dạng các heading này còn làm cho bài viết trở nên rành mạch, dễ đọc hơn cho người dùng, giúp tăng trải nghiệm người dùng.

5.2. Tô đậm từ khóa chính một lần trong thân bài

5.3. Tô đậm 50% các từ khóa phụ

Bạn không cần phải tô đậm toàn bộ từ khóa chính và phụ, vì như vậy sẽ làm cho bài viết nhìn rất “dơ” và nặng nề, ảnh hưởng trải nghiệm người đọc.

5.4. Làm nổi bật những từ cần thiết như: Ví dụ, cách 01, bước 01, Lưu ý, Xem thêm…

5.5. Đi internal link phù hợp với nội dung của bài

Internal link (link nội bộ), là link trỏ/điều hướng về một nội dung khác trên website.

Internal link phù hợp tức là điều hướng cho người đọc về nội dung mà có thể họ sẽ cần tham khảo thêm. Tức là bạn cảm thấy độc giả của bạn khi đọc đoạn nội dung A có thể muốn đọc thêm nội dung B, thì bạn chèn internal link về nội dung B.

Ví dụ: ở đoạn “Viết tiêu đề hấp dẫn” trong bài Hướng dẫn viết chuẩn SEO, tôi sẽ chèn internal link về bài viết 3 Công thức viết tiêu đề hấp dẫn ứng dụng theo tâm lý học, chứ tôi sẽ không dẫn về bài SEO là gì?

Việc thêm internal link sẽ cung cấp thêm giá trị cho người đọc, cung cấp cho họ thêm những thông tin cần thiết khác mà không làm cho bài viết dài dòng. Đối với bot, internal link giúp bot hiểu hơn về cấu trúc và độ liên kết giữa các nội dung trên website. Một website có nội dung được liên kết chặt chẽ, hợp lý sẽ được Google ưu ái hơn.

Bạn nên có ít nhất 1 internal link sau mỗi 200 – 300 từ. Ngoài ra, bạn cũng không nên đi quá nhiều internal link. Một bài 1000 từ thì có 5 – 7 internal link là hợp lý, không nên có nhiều hơn.

5.6. Nên có kêu gọi hành động cho các internal link

Khi đặt internal link, bạn cần có kêu gọi hành động như Xem ngay, xem thêm, tìm hiểu thêm, có thể bạn sẽ thích,… để người đọc có thêm động lực click vào internal link để xem thêm nội dung.

5.7. Dùng Anchor Text hợp lý cho internal link

Anchor text là những ký tự được gắn link. Anchor text nên là từ khóa chính của nội dung được trỏ đến, hoặc là tiêu đề của nội dung được trỏ đến.

dùng anchor text hợp lý

Trong đoạn văn này, anchor text là dòng chữ màu đỏ được gạch chân, và gắn link trỏ về bài viết tương ứng. Anchor Text này cũng là tiêu đề bài viết được trỏ đến.

5.8. Làm nổi bật Anchor text (tô đậm, in nghiêng, gạch chân, đổi màu, định dạng trích dẫn…)

5.9. Nên có 2 – 10 External Link về các nguồn uy tín

External Link là link trỏ về các website khác (ngược lại với internal link). External Link còn được gọi là Outbound Link, Link out. Nhiệm vụ của External Link là giúp người đọc có thể tham khảo thêm thông tin ở những nguồn uy tín hơn, và giúp Google tin tưởng nội dung của bạn hơn.

Khi bạn làm luận văn, chắc chắn bạn phải tham khảo thông tin từ nhiều nguồn uy tín, và phải trích dẫn nguồn thông tin đó trong luận văn để ban giám khảo thẩm định. Bạn càng tham khảo từ nhiều nguồn uy tín, thì bài luận văn của bạn sẽ có thể được xem là chất lượng, đáng tin cậy, có đầu tư hơn.

Với các bài viết trên website cũng vậy. Mỗi bài viết là 1 bài luận văn, bạn là người viết và Google là giám khảo. Vì thế nếu bạn trình ra được nhiều nguồn thông tin bạn tham khảo thì Google xẽ có xu hướng đánh cao nội dung của bạn hơn.

Lưu ý: bạn phải đi external link đến đúng những nội dung phù hợp trên những nguồn uy tín.

tối ưu onpage bài viết

Đây là một đoạn nội dung được tối ưu On-page rất tốt.

  • Tiêu đề phụ được định dạng heading, có chứa từ khóa
  • Các từ quan trọng (cách làm, cách dùng) được in đậm
  • Có từ khóa phụ (saffron mật ong) trong nội dung, và được tô đậm
  • Có external link về một bài viết cùng nội dung trên một trang uy tín (voh), external link được gắn thẻ nofollow.
  • Có internal link về bài viết phù hợp với nội dung của đoạn. Có kêu gọi hành động. Anchor text là tiêu đề bài viết được trỏ đến.

5.10. Nên gắn thẻ ref=No-follow cho external link

Thẻ No-follow về mặt kỹ thuật thì sẽ báo cho Google rằng chúng ta không muốn chia sẻ lực (điểm SEO) của website mình cho website được trỏ đến. Còn về mặt người dùng thì hoàn toàn không có tác động gì.

Để nói rõ về vấn đề này, tôi sẽ có bài viết khác. Với mức độ cơ bản, bạn cũng không cần quan tâm đến vấn đề này quá nhiều. Nếu làm đúng thì tốt, không làm thì cũng không ảnh hưởng quá nhiều.

chọn nofollow cho external link

Các nền tảng web thông dụng đều cho phép chọn gắn Nofollow cho link.

Bạn có thể kiểm tra xem link nào là link nofollow bằng cách cài Add-on NoFollow trên trình duyệt Chrome. Add-on này sẽ làm nổi bật anchor text gắn link nofollow, bạn xem lại hình đoạn văn ví dụ bên trên, anchor text “voh” chứa link nofollow được làm nổi bật.

5.11. Điền thẻ Alt text cho tất cả hình ảnh trên bài viết

Thẻ Alt text, viết tắt của Alternative text – tức là nội dung thay thế, là thẻ cho Google biết nội dung của tấm hình là gì.

Năm 2017 về trước, Google chưa hiểu được nội dung trên hình ảnh, nên bot sẽ dựa vào thẻ này để hiểu nội dung của hình ảnh. Tuy nhiên hiện tại thì Google đã hiểu nội dung hình ảnh rất tốt, nên nói về SEO, thẻ alt text đã bớt quan trọng đi. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần phải tối ưu chúng.

điền alt text cho hình ảnh

Các nền tảng web thông dụng đều cho phép điền alt text cho hình ảnh.

Thẻ alt text còn có tác dụng khi người dùng sử dụng hình phần mềm đọc nội dung (người khiếm thị), các phần mềm sẽ đọc nội dung thẻ alt thay cho hình ảnh. Ngoài ra, nếu ảnh bị lỗi, thì website vẫn sẽ hiện nội dung thẻ alt thay cho hình ảnh.

Thẻ Alt có thể là một câu mô tả nội dung của hình ảnh, hoặc là để từ khóa chính của bài. Tôi hay dùng một câu mô tả sơ lược hình ảnh và chèn 1 từ khóa chính hoặc phụ vào câu đó.

5.12. Dưới mỗi hình ảnh nên có một câu mô tả cho hình ảnh đó.

5.13. In nghiêng & canh giữa cho câu mô tả hình ảnh.

Hai nội dung 5.12 và 5.13 nhằm giúp cho bài viết nhìn chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, bạn có thể chèn từ khóa khó, dài vào câu mô tả hình ảnh, việc này giúp bạn đỡ nhức đầu khi phải tìm cách chèn những từ khóa đó trong bài viết, làm bài viết lủng củng.

nên có mô tả bên dưới hình ành

Nên có câu mô tả cho hình ảnh ngay bên dưới hình ảnh. Ở câu mô tả này, chúng ta có thể chèn thêm từ khóa.

5.14. Nên có video

5.15. Nên có infographic

Việc có Video và infographic giúp cho người đọc có nhiều lựa chọn khi xem thông tin hơn. Ngoài ra, nó giúp tăng thời gian người đọc ở lại trên page rất tốt. Theo kinh nghiệm của tôi, khi bổ sung video và infographic, time-on-page có thể tăng thêm 30s – 120s.

Xem thêm:

6. Các tối ưu khác

6.1. Tối ưu hình ảnh đại diện cho bài viết (Feature Image).

Hình ảnh đại diện bài viết nên là hình nằm ngang, tỷ lệ hình ảnh nên là ngang 5 cao 3, hoặc ngang 4 cao 3. Chiều ngang ít nhất 800px.

Hình ảnh có thông số như trên sẽ hiển thị tốt trên mạng xã hội. Xem thêm: Các Kích Thước Ảnh Trên Facebook, YouTube, Instagram, Linkedin

6.2. Chọn category và tag phù hợp với bài viết.

Lưu ý nhỏ dành cho ai dùng WordPress

Có nhiều bạn hỏi tôi rằng nếu tối ưu onpage bài viết theo cách của tôi, thì không được điểm xanh (tức điểm tối ưu tốt) trên Yoast, Rankmath hay một số plugin tối ưu SEO khác. Liệu như vậy có sao không?

Câu trả lời của tôi là không sao hết. Điểm số của các công cụ kia là để tham khảo thôi. Các công cụ đó được lập trình trên logic đơn giản nhất của SEO, nên nó chấm điểm rất máy móc. Chúng ta không cần máy móc, rập khuôn như vậy.

Từ 2017, tôi đã không quan tâm đến mấy điểm số từ các công cụ đó. Tôi chỉ dùng checklist của mình. Kết quả SEO vẫn ngon lành. Vì thế, nếu các bạn làm theo hướng dẫn của tôi, thì điểm có vàng, cam hay đỏ cũng không vấn đề gì.

Xem thêm: 12 Sai Lầm Nghiêm Trọng Newbie hay mắc phải khi Làm SEO

Lời kết

Trên đây là những bước tối ưu on page cho bài viết một cách cơ bản nhất. Ngoài các kỹ thuật trên, còn một vài kỹ thuật nâng cao khác như làm schema. Thế nhưng với người mới làm SEO, bạn chưa cần quan tâm tới các kỹ thuật nâng cao. Bạn thực hành đúng theo các bước bên trên là sẽ có kết quả tốt rồi.

Điều quan trọng nhất là bạn phải luôn ưu tiên tối ưu cho người dùng chứ không phải Google. Nếu bạn tối ưu bài viết xong mà nhìn bài viết khó đọc hơn, nhức mắt hơn, lủng củng hơn thì bạn phải tối ưu lại. Bạn phải luôn tâm niệm để làm sao mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng khi đọc nội dung của bạn.

Bài viết này có hữu ích với bạn không? Hãy cho tôi biết đánh giá của bạn nhé!
[Tổng: 22 Trung bình: 5]

Nhận Thông Báo Nội Dung Mới 

ABC Digi xuất bản nội dung mới hàng tuần, chúng tôi sẽ cập nhật cho bạn qua email 1 lần/tuần. Hoàn toàn miễn phí. Hãy điền thông tin để nhận thông báo.

Nếu bạn bất kỳ câu hỏi hay góp ý nào, bạn hãy bình luận bên dưới, hoặc bạn có thể vào Group FB Cộng Đồng ABC Digi để hỏi đáp & thảo luận các vấn đề về Digital Marketing.

0 Lời bình

Loading...