Hiểu Đúng để Tối Ưu Session Duration Đơn Giản và Hiệu Quả

bởi | 15/01/2023 | SEO, Level B, Website


Bản thân tôi sau 3 năm đầu làm SEO mới nhận ra mình hiểu sai hoàn toàn về cách Google tính toán chỉ số Average Session Duration. Tôi nói chuyện với nhiều SEOer, nhiều người làm lâu năm cũng hiểu sai về chỉ số này. Vì hiểu sai nên chắc chắn việc tối ưu sẽ không chính xác, giống tôi hồi trước. Bài viết này tôi sẽ chia sẻ những kiến thức chính xác nhất về Average Session Duration, có thể khiến bạn phải giật mình “lâu nay mình sai quá sai.”

Chúng ta bắt đầu với câu hỏi đầu tiên là WHY.

Tại sao phải cải thiện Average Session Duration?

Average Session Duration là một trong những chỉ số hoạt động quan nhất của website bạn. Nếu bạn hay dùng Google Analytics thì chắc hẳn bạn luôn thấy Average Session Duration là 1 trong 4 chỉ số mặc định trong trang báo cáo. Nếu chỉ số này không quan trọng thì Google chắc chắn sẽ không để nó ở vị trí ưu tiên như vậy. Và vì với Google nó rất quan trọng, nên chúng ta phải tối ưu chỉ số này để cải thiện điểm SEO trong mắt Google.

Google cũng tuyên bố thẳng thắn: “Việc hiểu khái niệm về phiên (Session) trong Analytics rất quan trọng bởi vì nhiều tính năng, báo cáo và chỉ số phụ thuộc vào cách Analytics tính số phiên.”

Thât ra, khi tối ưu chỉ số này là chúng ta tối ưu trải nghiệm và mức độ tương tác của người dùng với website, ở phía dưới tôi sẽ phân tích chi tiết về về này. Google luôn luôn thích những web tạo ra nhiều tương tác với người dùng, đơn giản vì nếu nội dung trên website tốt và giá trị thì người dùng mới tương tác. Và người dùng càng tương nhiều thì khả năng chuyển đổi thành khách hàng càng cao.

Như vậy việc tối ưu Average Session Duration không chỉ hỗ trợ cải thiện SEO mà còn gián tiếp cải thiện chuyển đổi cho website.

Khoá học miễn phí

Thiết Kế Website WordPress Cơ Bản Level A

- Bạn sẽ làm được 1 website cá nhân hoặc 1 trang web bán hàng đủ chức năng cần thiết bằng WordPress trong vòng 1 ngày.

- Bạn sẽ làm được website mà không cần biết code, chỉ cần kéo thả đơn giản.

I. Hiểu Đúng về Session Duration

1. Session là gì?

Theo định nghĩa của Google: “Phiên là một nhóm các tương tác của người dùng với trang web diễn ra trong một khung thời gian nhất định. Ví dụ: một phiên có thể có nhiều lần xem trang, sự kiện, tương tác trên mạng xã hội và giao dịch thương mại điện tử. Bạn có thể xem phiên như một vùng chứa cho các hành động mà người dùng thực hiện trên trang web của bạn.”

Một phiên chính xác là khoảng thời gian diễn ra tương tác đầu tiên đến tương tác cuối cùng của người dùng trên website. Lưu ý quan trọng việc thoát trang không được tính là tương tác. Các tương tác này bao gồm:

Các tương tác đươc google mặc định từ đầu: click xem các trang nội dung trên web, các tương tác xã hội như share bài viết. Like Fapage trên website, Tweet lại nội dung. Và giao dịch thương mại điện tử như Add to cart, Đặt hàng trên website.

Hiểu đúng về session

Cần hiểu đúng về session duration để tối ưu trải nghiệm của khách hàng trên website

Các tương tác đươc xác định bởi Event tracking: xem video, tải tài liệu, click vào một nút nào đó (hotline, đăng ký, livechat,…) cuộn trang tới 1 điểm nào đó, nói chung tất cả các event mà chúng ta gắn tracking.

2. Session Duration là gì, được tính như thế nào?

Đây là thứ mà tôi đã hiểu sai suốt 3 năm đầu làm SEO. Ngày trước tôi đinh ninh rằng session duration là tổng thời gian một user ở trên web từ lúc vào web đến lúc thoát ra. Bạn có hiểu giống như vậy không? Nếu giống thì chúng ta đã Sai hoàn toàn rồi.

Quay lại định nghĩa phía trên: một phiên là khoảng thời gian diễn ra tương tác đầu tiên và tương tác cuối cùng của người dùng trên website. Và thoát trang không được tính là tương tác.

Nhìn vào ví dụ dưới đây ta sẽ dễ hiểu hơn

  • User vào trang A của website B lúc 9:00
  • User đọc trang A trong 4 phút đến 9:04 thì click vào xem trang B
  • User đọc trang B trong 10 phút nhưng không có một tương tác nào và thoát khỏi website lúc 9:14.

Vậy Session Duration là bao nhiêu: ngày trước tôi sẽ phán ngay không hề nao núng là 14 phút.

Quay lại định nghĩa: Session Duration được tính đến tương tác cuối cùng, không tính hành động thoát trang. Như vậy tương tác cuối cùng của User với website hành động click vào xem trang B. Như vậy Session Duration chính xác sẽ là 9:04 – 9:00 = 4 phút.

Ắt hẳn không ít chiến hữu từng chơi chiêu kiểu mở thật nhiều trang trên web trên nhiều tab rồi để đó để tăng time on page và session duration. Cách Google tính time on page cũng y chang session duration như vậy việc chúng ta mở 1 trang lên để đó thật lâu rồi tắt là hoàn toàn vô nghĩa. Tôi đã từng làm hành động vô nghĩa này hàng ngàn lần mà cứ tưởng mình đang làm đúng.

Từ đây cũng thấy rằng Google quá khôn, họ làm ra thuật toàn như thế này để ngăn chặn những hành động cố tình cũng như vô tình (để web đó rồi đi làm gì đó mà quên tắt) làm tăng session duration cũng như time on page. Đảm bảo số liệu thống kê hơp lý nhất.

Một ví dụ khác về Session Duration:

User vào trang A đọc trong 10 phút mà không có tương tác nào rồi thoát. Trường hợp này Google sẽ gọi là bounced visit, tức là thoát mà không có bất kỳ tương tác nào với page. Session sẽ không được tính (không được cộng thêm) trong trường hợp này.

Trường hợp khác, nếu User vào đọc trang A trong 3 phút, sau đó click vào nút xem video và nút này được gắn event tracking, user coi video 8 phút rồi thoát khỏi web. Như vậy Session Duration sẽ được tính từ lúc user vào trang A tới lúc user click xem video, là 3 phút.

Tới đây chắc bạn đã nắm rõ cách tính session duration của Google rồi. Chúng ta sẽ tiếp tục đi sâu hơn về chỉ số này và cách tối ưu nó ở phần tiếp theo.

3. Khi nào kết thúc 1 Session?

3.1 – Session sẽ tự động kết thúc sau 30 phút nếu user không có tương tác gì tiếp theo.

Cứ sau mỗi một tương tác, thời gian chờ của session sẽ được reset lại. Có nghĩ là nếu user có 1 tương tác nào đó được Google ghi nhận, thì Google sẽ cho lại user đó 30 phút để tạo ra tương tác tiếp theo. Giả sử nếu sau 5 phút, user đó tương tác, thì Goolge lại reset lại thời gian chờ. Cứ như vậy cho đến khi user không tương tác trong 30 phút kể từ tương tác cuối cùng. Ví dụ bạn truy cập vào trang chủ của một website A vào lúc 14h00 sau 30 phút bạn không hoat động thì sẽ tính là 1 session. Đến 14h32 phút bạn hoạt động và tương tác với trang chủ thì sẽ tính là 1 session khác.

Session sẽ tự động kết thúc sau 30 phút nếu user không có tương tác gì tiếp theo

Session sẽ tự động kết thúc sau 30 phút

Lưu ý là session vẫn được tính ngay cả khi user thoát khỏi web nhưng quay lại trong khoảng thời gian chờ. Ví dụ Đức search trên Goolge và click vào kết quả tự nhiên để vào xem trang A trên website B lúc 9:00. Sau 10 phút thì Đức thoát khỏi website lúc 9:10. 10 phút sau, tức 9:20 Đức vào lại website B bằng cách nhập link trực tiếp trên thanh địa chỉ và rồi đặt hàng trên website lúc 9:25, sau đó Đức không có tương nào tiếp theo. Như vậy session duration sẽ được tính từ 9:00 cho tới 9:25, tức là 25 phút.

Khoảng thời gian chờ 30 phút này có thể thể thay đổi trong analytics; ngắn nhất là 1 phút, dài nhất là 4 tiếng; để phù hợp với từng loại hình website. Ví dụ những website xem phim thì khoảng thời gian chờ này phải cao hơn rất nhiều vì user thường dành nhiều tiếng để xem phim.

3.2 – Qua nửa đêm thì Session sẽ tự động out và tạo ra session mới, cho dù user vẫn đang trong session cũ và có tương tác với website. Session Duration của session cũ sẽ được tính đến 11:59:59.

Ví dụ: Đức vào trang A của Web B lúc 23hh30 là tương tác một lúc đến 00h09 phút ngày hôm sau thì thoát trang web. Lúc này GA sẽ lưu lại 2 session. Session duration sẽ được tính từ  23h30 đến 23h59:59, Session duration thứ 2 được 9 phút từ 0h00 đến 00h09.

Qua nửa đêm thì Session sẽ tự động tạo ra session mới

Qua nửa đêm thì Session sẽ tự động tạo ra session mới

3.3 – User thay vào lại website thông qua một chiến dịch quảng cáo khác

Ví dụ Đức search trên Goolge và click vào kết quả tự nhiên để vào website B lúc 9:00. Sau đó, Đức không tương tác gì và thoát khỏi website lúc 9:10. 10 phút sau, tức 9:20 Đức lên Google search tiếp và click vào quảng cáo của website B rồi đặt hàng trên website B lúc 9:25, sau đó Đức không có tương nào tiếp theo. Như vậy Đức sẽ tạo ra 2 session. Session 1 bắt đầu từ lúc 9:00, nhưng có session duration là 0 vì Đức không có tương tác gì. Session thứ 2 bắt đầu lúc 9:20 và kết thúc lúc 9:25, tức là 5 phút. https://yoast.com/sessions-in-google-analytics/

Session la gi 5

User vào website thông qua một chiến dịch quảng cáo khác được tính là 1 session khác

4. Average Session Duration được tính như thế nào?

Average Session Duration (thời gian trung bình phiên) là thời gian trung bình của một session trên website. Vì website của chúng ta có vô số session, nên bắt buộc phải tính trung bình cộng để có cái nhìn tổng quát nhất. Công thức của Average Session Duration như sau:

Average Session Duration = Tổng Session Duration / Tổng Session

Ví dụ: từ ngày 01/04 – 15/04 website A có 1000 session. Tổng Session Duration là 2500 phút. Vậy Average Session Duration = 2500/1000 = 2.5 phút.

5. Vai trò của Session Duration và Average Session Duration

Vai trò quan trọng nhất của Session Duration và Average Session Duration phản ánh khả năng tạo tương tác của nội dung trên website của bạn. Nó không phản ánh thời gian đơn thuần. Mà nó phản ánh khoảng thời gian người dùng có tương tác với website.

Như vậy nếu Average Session Duration của website cao, tức là nội dung của web có tính tương tác cao. Bạn biết đấy, người dùng internet vô cùng lười, vì vậy để user chịu tương tác thì nội dung phải hay, cung cấp nhiều giá trị. Tất nhiên Google rất thích điều này.

6. Average Session Duration có phải là một yếu tố tính điểm SEO

Theo tôi thì không phải. Google thừa biết một user có những tương tác gì và ở lại website bao nhiêu lâu, và đây mới là những thứ để tính điểm SEO. Tuy nhiên họ không show những chỉ số đó ra. Như ở trên tôi đã nói, Google bắt chúng ta phải theo dõi average session duration để chúng ta tối ưu nội dung sao cho tạo nhiều tương tác nhất có thể. Và chính những tương tác đó sẽ được tính vào điểm SEO. Vì vậy, tôi tin rằng Average Session Duration chỉ là một chỉ số trung gian chứ không phải yếu tố tính điểm SEO.

Session la gi 6

Average Session Duration chỉ là một chỉ số trung gian chứ không phải yếu tố tính điểm SEO

7. Average Session Duration bao nhiêu là tốt?

Theo thống kê chung của toàn internet thì Average Session Duration tầm 2 – 3 phút. Tuy nhiên, chẳng có một chuẩn cố định nào cho chỉ số này. Chỉ số này nên được set linh động theo từng

website. Nếu website bạn toàn những nội dung dài thì bạn nên kỳ vọng Thời gian trung bình phiên cao và ngược lại.

Bạn nên đọc thêm: 4 Cách Xác Định Mục Tiêu SEO mà newbie cần biết

8. Những hiểu lầm về Session Duration?

Hiểu lầm 01: Session Duration tối đa là 30 phút.

Như đã nói phía trên, cứ sau mỗi tương tác, Google sẽ reset lại thời gian chờ (mặc định là 30 phút). Vì cứ tới 0h thì Google sẽ tự out session và tạo session mới, nên session duration có thể kéo dài tối đa là 23 tiếng 59 phút 59 giây. Tức là user phải dùng website và tương tác liên tục từ 0 giờ tới 23:59:59 giây.

Hiểu lầm 02: Session Duration phản ánh thời gian user ở trên website.

Session được tính đến tương tác cuối cùng của của user với web, nên cho dù user có ở trên web 10 phút mà không hành động gì thì session duration vẫn là zero.

Hiểu lầm 03: Average Session Duration thấp có nghĩa là nội dung dở

Chưa chắc vì nội dung dở mà là do chúng ta chưa tối ưu tương tác cho website. Ví dụ user có thể đọc hết nội dung của 1 page nào đó rồi thoát ra mà không có tương tác nào. Tuy nhiên thời gian user đọc page đó sẽ không được tính và session duration. Vậy nội dung của chúng ta không phải dở, mà là chúng ta chưa tạo ra tương tác cho user mà thôi.

II. Cách tăng Average Session Duration

1. Cài event tracking cho web

Khi một event tracking được kích hoạt, session duration sẽ được tính đến thời điểm kích hoạt event đó. Ví dụ nếu Tân đọc bài trên page 10 phút mà không tương tác, hoặc không có event tracking nào được kích hoạt, thì 10 phút đó sẽ không được tính vào Session Duration. Giả sử chúng ta cài một event là tỉ lệ cuộn trang 60%, tức là khách cuộn qua 60% độ dài của thân trang thì 1 event sẽ được tracking trên analytics.

260301

Tăng Average Session Duration – Cài event tracking cho web

Quay lại ví dụ về Tân, giả sử Tân đọc 4 phút thì cuộn tới 60% trang và event được tracking. Như vậy session duration của Tân sẽ là 4 phút.

3 event tracking chúng ta cần cài đặt là

  • Scroll rate – tỷ lệ cuộn trang:

Tôi hay cài tracking cho 4 tỷ lệ cuộn trang: <25%, 25 – 50%, 50% – 75%, >75%.

  • Time on page

Tùy vào độ dài trung bình nội dung trên website của bạn mà tính ra các tracking hợp lý. Ví dụ độ dài trung bình nội dung trên web của tôi là 2100 từ. Tốc độ đọc trung bình của 1 người là 300 từ/phút, như vậy thời gian trung bình để đọc hết 1 nội dung là 2100/300 = 7 phút, tức 420 giây. Như vậy tôi sẽ đặt tracking quanh mức thời gian này: >60s, 60-120s, 120-180s,…, >900s.

  • Click button

Chúng ta nên tracking tất cả các button trên website: gọi Hotline, đăng ký bản tin, nhận quà, livechat,…

Xem thêm: 21 cách Tăng Traffic Cho Website

2. Tăng tương tác với người dùng

Tạo ra các hoạt động hấp dẫn để người dùng tương tác với website:

Điều hướng phù hợp

Gắn internal phù hợp và có kêu gọi hành động mạnh mẽ sẽ tăng khả năng user đọc thêm các nội dung khác trên website của bạn. Hãy đảm bảo bạn điều hướng user đến nội dung tốt nhất mà user nên đọc.

Set up chatbot tự động

Có nhiều chatbot cho phép chạy kịch bản khác nhau cho từng trang nội dung khác nhau. Vì vụ, nếu bạn để ý, khi bạn vào các trang về SEO thì chatbot của socolink sẽ hỏi bạn về SEO và giới thiệu bạn các loại quà tặng hay tin tức hấp dẫn về SEO. Nếu bạn vào các trang về Facebook thì chatbot sẽ giới thiệu các nội dung và quà tặng về Facebook marketing. Việc tối ưu hóa chatbot theo nội dung và ngữ cảnh như vậy sẽ giúp tăng tương tác lên đáng kể.

Tăng session duration bằng chatbot

Tăng tương tác với người dùng bằng chatbot

Thêm khảo sát, trắc nghiệm vui

Bạn sẽ thấy sau mỗi bài post, tôi đều có bài trắc nghiệm để kiểm tra lại kiến thức của bạn. Hoặc đơn giản là một khảo sát vui vui nào đó. Tỷ lệ tương tác hiện nay là rất cao nếu nội dung của bạn thực sự chất lượng. Bản chất con người luôn tò mò và muốn chứng tỏ bản thân. Nên việc thực hiện một bài test ngắn sau khi xem một nội dung dài là rất hợp lý.

Nhận quà hấp dẫn

Cuối bài viết bạn có thể để form để user điền thông tin và nhận quà tặng, hoặc nhận thông tin cập nhật. Nhớ làm cho phần quà của mình thật hấp dẫn, hoặc đưa ra lý do mà user khó có thể từ chối.

Động viên user bình luận, chia sẻ

Việc user bình luận sau bài viết, hoặc chia sẻ bài viết lên các trang mạng xã hội cũng được tính là tương tác. Cuối bài viết bạn nên đặt những câu hỏi mở để user tham gia thảo luận.

Một số website có chức năng chia sẻ để nhận quà cũng khá hay.

Pop Up phù hợp

Pop up có thể set up để hiện lên sau một khoảng thời gian, sau khi user cuộn được bao nhiêu % trang hoặc khi user có hành động thoát trang. Bạn nên xem lại dữ liệu quá khứ của website mình để biết khi nào hiện pop up là phù hợp nhất.

Tăng session duration nhờ pop-up phù hợp

Tăng tương tác với người dùng nhờ pop-up phù hợp

Ngoài ra chúng ta cũng có thể cài đặt hiện pop up khác nhau cho những nội dung khác nhau, giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi.

3. Cải thiện nội dung

Khi bạn đã tạo thêm các hành động để tương tác với user và cài tracking đầy đủ, thì việc cải thiện nội dung để tăng time on page sẽ tạo ra một hiệu ứng cộng hưởng vô cùng lớn. Bạn có thể dùng heatmap và các dữ liệu tracking về scroll rate và time on page để đánh giá nội dung của page.

Ví dụ nếu user thường cuộn đến 40% nội dung là thoát thì chúng ta phải sửa lại phần nội dung ở khúc 40% đó để kéo user đọc tiếp, hoặc chúng ta gắn một internal link để user đọc tiếp bài khác, hoặc chúng ta cho một pop up tặng quà hiện ra để user tương tác.

Nếu dùng heatmap, chúng ta có thể biết được khu vực nào user hay tương tác để gắn điều hướng hay những hành động phù hợp.

III. Lời kết

Google có biết tổng thời gian một user trên web từ lúc vào web đến lúc thoát ra không? Tôi chắc chắn Google biết. Vậy tại sao Google không lấy nó làm chỉ số cho dễ tính mà lại tính theo tương tác cuối cùng? Vì đơn giản là Google muốn chúng ta luôn cải thiện nội dung để tạo giá trị cho người dùng. Google không chỉ muốn user đọc, mà còn muốn user tương tác. Kiểu như tăng độ khó cho game.

Chúng ta biết được chỉ số này chỉ mang tính tương đối, vì thế phải cài event tracking về thời gian on page và tỷ lệ cuộn để biết chính xác nội dung của mình tốt hay không để còn tối ưu.

Nếu không cài tracking thì có sao không? Nếu session duration thấp thì có sao không?

Nếu bạn tự tin rằng nội dung của bạn tuyệt vời, đa số người dùng đọc hết, thì tôi tin rằng SEO vẫn không bị ảnh hưởng. Vì Google vẫn tracking chính xác được thời gian user ở trên một page nào đó, họ đọc bao nhiêu phần trăm, cuộn tới đâu cho dù chúng ta có gắn tracking hay không.

Chỉ có điều là chúng ta không thể chắc chắn rằng nội dung của mình có thể tuyệt vời như vậy được. Vì thế việc gắn tracking và theo dõi chỉ số Average Session Duration sẽ giúp chúng ta tối ưu nội dung tốt hơn rất nhiều.

Bản chất của SEO là tối ưu, tối ưu từng chút một, kiên nhẫn, đều đặn và liên tục, website của bạn sẽ trở thành con cưng của Google.

Bài viết này có hữu ích với bạn không? Hãy cho tôi biết đánh giá của bạn nhé!
[Tổng: 2 Trung bình: 5]

Nhận Thông Báo Nội Dung Mới 

ABC Digi xuất bản nội dung mới hàng tuần, chúng tôi sẽ cập nhật cho bạn qua email 1 lần/tuần. Hoàn toàn miễn phí. Hãy điền thông tin để nhận thông báo.

Nếu bạn bất kỳ câu hỏi hay góp ý nào, bạn hãy bình luận bên dưới, hoặc bạn có thể vào Group FB Cộng Đồng ABC Digi để hỏi đáp & thảo luận các vấn đề về Digital Marketing.

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Loading...