Green Marketing là gì? Nguyên Tắc 3R trong Tiếp Thị Xanh

bởi | 13/11/2022 | Foundation, Level A


Thời gian gần đây, chắc hẳn bạn đã nghe đâu đó khái niệm Green Marketing, hoặc Marketing Xanh, Tiếp Thị Xanh. Vậy nó là gì mà tại sao ngày càng trở nên quan trọng và biến thành xu hướng, rất nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn cho đến những khởi nghiệp nhỏ bé cũng sử dụng?

Nếu những chiếc xe bạn bán sử dụng ít nhiên liệu hơn, máy giặt của bạn tiết kiệm nước hơn hoặc thực phẩm bạn cung cấp là sản phẩm hữu cơ, hay công ty bạn có những sản phẩm vừa tạo ra giá trị vừa có quy trình sản xuất và bán sản phẩm thân thiện với môi trường, thì bạn sẽ nói điều đó ra như thế nào để cho khách hàng biết, nhớ và yêu thích? Nếu bạn truyền thông được những điều trên, chắc chắn cơ hội bán hàng của bạn sẽ nhiều hơn, và đây chính là công việc của Green Marketing. Vậy Green Marketing là gì? Và vì sao nó quan trọng, tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

I. Green Marketing là gì?

1. Định nghĩa

Theo Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ (AMA):

Green Marketing là hoạt động tiếp thị sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường.

Green Marketing còn chỉ các hoạt động tiếp thị những sản phẩm được cho là tốt, thân thiện với môi trường được biểu hiện ở việc thay đổi thiết kế sản phẩm, quy trình đóng gói, hoạt động quảng cáo nhằm đáp ứng được “nhu cầu xanh” của người dùng.

Do vậy, Green Marketing gắn với chuỗi phương án marketing ảnh hưởng xoay quanh sản phẩm, thay đổi quy trình sản xuất, cách thức đóng gói cũng như thông điệp truyền thông tiếp thị.

Green Marketing là gì

Tóm lại Green Marketing ra đời nhằm đề cập quá trình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đem lại ích lợi cho môi trường. Những sản phẩm, dịch vụ này có đặc tính thân thiện với môi trường hay quy trình sản xuất, đóng gói được thực hiện với phương pháp thân thiện với môi trường. Thông qua việc nhận biết nhu cầu “tiêu dùng xanh” của khách hàng, các công ty có thể tạo ra điểm khác biệt so với đối thủ, tối đa hóa lợi nhuận và doanh thu của mình.

Khoá học miễn phí

Nguyên lý Marketing Mạng Xã Hội

Giúp bạn hiểu về thuật toán & tính chất của những mạng xã hội phổ biến ở Việt NamGiúp bạn hiểu được hành vi của người dùng trên các MXH để thiết kế các hoạt động marketing hiệu quả.

Xem thêm:

2. Bản chất và lợi ích của green marketing

Sau bối cảnh vật lộn với môi trường bị tàn phá nặng nề bởi việc phát triển nền kinh tế, hàng loạt những phong trào “xanh” nổi lên và trở thành xu hướng toàn cầu. Hàng loạt các khái niệm xanh ra đời như: sản phẩm xanh, công nghiệp xanh đến công xưởng xanh…để thúc đẩy nền tiêu dùng xanh trong thời đại xanh phát triển. Xu hướng này đã trỗi dậy và trở thành thế lực cạnh tranh trực tiếp với loại hình marketing truyền thống bởi vì nó hướng đến mối quan tâm toàn cầu chính là vấn đề về môi trường.

Các công ty sử dụng Green Marketing để tìm cách thu được hiệu quả cao hơn Marketing truyền thống, bằng cách thúc đẩy và truyền bá các giá trị cốt lõi về môi trường. Việc đề cập đến “xanh hoá” quá trình sản xuất hoặc sản phẩm hoặc dịch vụ, các doanh nghiệp hy vọng người tiêu dùng sẽ liên kết các giá trị này với thương hiệu của họ, và thu hút tiền đầu tư từ cách nhà đầu tư xem trọng trách nhiệm xã hội. Việc tham gia vào các hoạt động này có thể dẫn đến việc tạo ra một dòng sản phẩm mới phục vụ cho một thị trường mục tiêu mới.

II. Tầm quan trọng của Green Marketing

1. Những ưu điểm Green Marketing đem lại

Hãy nghĩ đơn giản như này, công ty bạn thân thiện bậc nhất với môi trường, nhưng không ai biết đến thì cũng xem như không làm gì cả. Để gặt hái toàn bộ lợi ích của các sản phẩm hoặc chính sách thân thiện với môi trường, bạn cần tiếp thị những gì bạn đang làm với thế giới hoặc ít nhất đến khách hàng mục tiêu của bạn. Hãy cho khách hàng tiềm năng biết sản phẩm của bạn giúp ích cho họ và môi trường như thế nào.

Tầm quan trọng của Green Marketing

Tầm quan trọng của Green Marketing

1.1 Tiếp xúc thị trường mới

Mở ra một phân khúc thị trường mới cho tổ chức. Để sản xuất và bán các sản phẩm xanh, các công ty phải thay đổi quy trình sản xuất của mình, thay thế vật liệu được sử dụng trong sản xuất bằng vật liệu thân thiện với môi trường và bắt buộc phải lựa chọn bao bì thân thiện với môi trường cho sản phẩm.

Thực hiện Green Marketing giúp doanh nghiệp tiếp cận thêm được thị trường mới, bao gồm những người tiêu dùng xanh thích các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn là những sản phẩm không thân thiện với môi trường, nếu như họ được lựa chọn

1.2 Lợi thế cạnh tranh

Sản phẩm của bạn tạo ra giá trị cao nhưng nó chưa được mọi mọi người biết đến là sản phẩm xanh dù doanh nghiệp của bạn đã “xanh hoá”. Điều này vô tình làm doanh nghiệp của bạn mất đi một lượng khách hàng tiềm năng lớn quan tâm đến vấn đề về môi trường – người mà ngày càng nhiều tại thời điểm này và trong tương lai.

Hoạt động tiếp thị xanh làm tăng thêm nhiều khách hàng vào tệp khách hàng hiện tại của bạn. Mọi người không ngại trả thêm một chút miễn là họ nhận được sản phẩm chất lượng phù hợp và sự hài lòng khi thực hiện vai trò của mình để bảo vệ môi trường. Chi phí ban đầu của bạn khi áp dụng các phương pháp xanh có thể được thu hồi trong vài năm đầu. Bạn sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận hơn so với các đối thủ cạnh tranh của mình vì mọi người hiện thích mua các sản phẩm thân thiện với môi trường.

1.3 Hình ảnh công chúng tích cực

Một tổ chức khi đi theo định hướng phát triển thân thiện với môi trường, sẽ khiến khách hàng cảm nhận rằng doanh nghiệp có một triển vọng có nhiệm vụ và nhận thức vì cộng đồng. Từ đó tạo nên một hình ảnh đẹp về thương hiệu trong mắt người dùng ở thời điểm hiện tại và tương lai. Một tổ chức cần phải có một hình ảnh xuất sắc để thu lợi nhuận về lâu dài. Một công ty có tầm ảnh hưởng tích cực trên thị trường sẽ không chỉ thu hút nhiều khách hàng hơn mà còn thu hút các đối tác kinh doanh coi trọng uy tín của công ty.

1.4 Tốt cho môi trường

Lợi ích của các sản phẩm xanh bao gồm việc giúp công ty của bạn nổi bật trong một thị trường cạnh tranh, nhưng chúng cũng làm giảm áp lực mà con người đặt ra đối với môi trường. Sản phẩm của bạn có độc tính thấp – chất tẩy rửa, chất bôi trơn hoặc dung môi giảm thiểu mối đe dọa nếu khách hàng cầm chúng trên tay hoặc hít phải khói. Các sản phẩm có thể phân hủy sinh học thay vì tồn tại trong nhiều thập kỷ hoặc thế kỷ sẽ tốt hơn cho môi trường rất nhiều.

2. Nhược điểm

Nếu bạn là một công ty đã thành lập, việc thay đổi cách tiếp thị và xây dựng thương hiệu của bạn cần phải có thời gian và công việc nghiêm túc. Nếu sản phẩm của bạn hoặc quy trình sản xuất của bạn chưa xanh, thì việc thay đổi phương pháp và sản phẩm của bạn sẽ không hề rẻ. Việc hướng đến sản xuất xanh và tiếp thị xanh là chiến lược lâu dài với nhiều sự đầu tư về thời gian, công sức và tiền bạc. Vậy với sự bùng nổ của xu hướng Marketing xanh thì yếu tố nào giúp một chiến lược Green Marketing thành công?

III. 5 yếu tố cốt lõi của chiến lược Green Marketing

1. Thiết kế xanh

Có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm chưa thực sự xanh tuy nhiên các chiến dịch Marketing của họ luôn truyền đạt những thông tin sai lệch và giúp sản phẩm của họ trông có vẻ thân thiện với môi trường. Ví dụ các công ty tuyên bố các sản phẩm của họ làm từ vật liệu có thể tái chế hoặc tiết kiệm năng lượng cao trong khi nó không hề như vậy. Một sản phẩm thân thiện với môi trường khi thiết kế cần phải tuân thủ nguyên tắc 3R (ReductionReuseRecycling).

Reduction, sản phẩm đó cần được thiết kế sao cho khi sản xuất có thể giảm thiểu nguyên vật liệu đầu vào hoặc được làm từ những vật liệu giảm thiểu tác động đến môi trường.

Reuse, sản phẩm đó có thể sử dụng nhiều lần.

Recycling, sản phẩm phải có khả năng tái chế, nghĩa là sản phẩm có khả năng được dùng lại để sản xuất sản phẩm mới hoặc có khả năng chuyển đổi thành nguyên vật liệu dùng để tạo ra một sản phẩm khác.

Ví dụ: Một ví dụ có thể kể đến là thương hiệu giấy Green Wrap của Fuji Xerox – điển hình cho Green Marketing. Toàn bộ mọi thứ liên quan đến Green Wrap đều thân thiện với môi trường, từ tên sản phẩm lẫn đặc tính của nó các bạn có thể tìm hiểu về loại giấy này.

Thương hiệu giấy Green Wrap của Fuji Xerox - điển hình cho Green Marketing

Thương hiệu giấy Green Wrap của Fuji Xerox – điển hình cho Green Marketing

2. Định vị thương hiệu xanh

Thương hiệu xanh là một thương hiệu mà giá trị môi trường tạo thành giá trị thương hiệu. Nếu doanh nghiệp của bạn bắt đầu chiến lược green marketing. Tự quảng bá mạnh mẽ tính phát triển bền vững của mình với các sản phẩm hay dịch vụ là nhân tố chính cho hoạt động kinh doanh của mình là điều nên làm.

Khi định vị thương hiệu, doanh nghiệp cung cấp thông tin chi tiết về lợi ích của sản phẩm, nó tác động như thế nào đến môi trường. Bên cạnh đó việc xây dựng cảm xúc của khách hàng là việc cực kỳ cần thiết. Chẳng hạn như xây dựng cảm giác hài lòng khi đóng góp vào việc cải thiện hoặc bảo vệ môi trường hoặc từ việc khách hàng sống có ý thức về môi trường đối với người khác.

Trong xã hội ngày nay hàng loạt những phong trào “xanh” nổi lên và trở thành xu hướng toàn cầu. Người tiêu dùng có ý thức về môi trường góp phần thúc đẩy nền tiêu dùng xanh. Chính vì thế việc doanh nghiệp của bạn định vị thương hiệu xanh và hướng đến sự phát triển bền vững từ đó để tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ vừa phù hợp với nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế thân thiện với môi trường.

Định vị thương hiệu xanh một yếu tố của Green Marketing

Định vị thương hiệu xanh một yếu tố của Green Marketing

3. Chiến lược giá cả thân thiện

Doanh nghiệp nên làm nổi bật sản phẩm hoặc dịch vụ của mình là dịch vụ xanh và cho khách hàng thấy được họ sẽ được tiết kiệm như thế nào khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ đó. Điều này cho phép người tiêu dùng tích cực ủng hộ tính bền vững. Họ nhận thức được rằng lựa chọn của họ là đầu tư vào thứ gì đó sẽ cho phép họ tiết kiệm tiền và tài nguyên trong tương lai, thay vì mua hàng ngắn hạn.

Ví dụ: Bạn cho khách hàng biết ô tô mà bạn cung cấp tiêu thụ năng lượng tiết kiệm năng lương hơn so với các công ty đối thủ như thế nào. Chiếc máy giặt bạn đang bán chỉ mất 1 kw điện cho 10 lần giặt và có tuổi thọ bền ra sao, như vậy sẽ tiết kiệm như thế nào về lâu dài. Kết quả là khách hàng sẽ lựa chọn mua sản phẩm mà bạn cung cấp.

4. Hoat động hậu cần xanh – green logistic

Ngoài các điều trên thì vận chuyển cũng như bao bì đóng gói cũng cần thân thiện với môi trường bởi lẽ bao bì là thứ đầu tiên người tiêu dùng nhìn thấy, nên nếu nó không phải chất liệu thân thiện thì người tiêu dùng sẽ bỏ ý định sử dụng sản phẩm của bạn.

5. Vòng đời sản phẩm thân thiện với môi trường

Green Marketing sẽ giúp vòng đời sản phẩm đi đúng hướng nó đặt ra. Mọi công đoạn của vòng đời sản phẩm phải phù hợp với môi trường, thân thiện với người sử dụng và môi trường.

IV. Cách áp dụng Green Marketing

1. 10 cách đơn giản lĩnh vực bán lẻ có thể áp dụng

Dưới đây mình sẽ đưa ra 10 cách giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ ngay lập tức trở nên “xanh” hơn. Nếu doanh nghiệp của bạn hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh khác, cũng có thể học hỏi những phương pháp đơn giản này miễn sao nó giúp đạt được mục tiêu thân thiện, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

– Tắt tất cả thiết bị điện khi không sử dụng

– Khuyến khích truyền thông bằng e-mail chứ không phải bằng tờ rơi

– Giảm lãng phí giấy tờ như hóa đơn giấy, dùng e-office thay cho các loại giấy tờ hành chính truyền thống

– Sử dụng giấy hai mặt bất kỳ khi nào có thể

– Không để vòi nước bị rò rỉ nước

– Lắp thiết bị tiết kiệm nước trong nhà vệ sinh

– Tìm nguồn cung có thể tái sử dụng giấy

– Chọn nhà cung cấp có thể tái sử dụng bao bì

– Liên tục tìm kiếm những phương pháp để làm sản phẩm và dịch vụ “xanh” hơn đối với cộng đồng

– Trước khi xem xét mua đồ đạc sử dụng trong văn phòng, hãy xem xét khả năng điều chỉnh hoặc sửa chữa.

– Hạn chế sử dụng bao ni lông

Tuy nghe có vẻ đơn giản, nhưng nếu thực hiện đồng loạt các biện pháp trên thì bạn sẽ đóng góp 1 phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường, và khách hàng của bạn sẽ thích điều này khi bạn chia sẻ, truyền thông chúng.

Marketing xanh và cách áp dụng

Marketing xanh và cách áp dụng

2. Một số hành động khác

  • Trung thực

Công ty của bạn có thực sự hoạt động bền vững không? Kiểm tra xem quy trình của doanh nghiệp có chỗ nào cần cải tiến. Các chính sách kinh doanh và các hoạt động trong chuỗi giá trị phải nhất quán, thân thiện với môi trường và tạo được sự tín nhiệm.

Rất nhiều công ty giả vờ thân thiện với môi trường, trong khi họ chỉ tham gia vào hoạt động “lau xanh” – tức là cho khách hàng thấy được rằng mình rất thân thiện với môi trường và tạo ra giá trị bền vững trong khi thực tế không phải vậy, đây là một việc làm hết sức tai hại cho thương hiệu. Chỉ cần lộ ra rằng bạn đang giả tạo, điều đó có thể giết chết bất kỳ sự tín nhiệm nào bạn kiếm được với người tiêu dùng.

Những khách hàng quan tâm đến môi trường và hiểu lợi ích của các sản phẩm thân thiện với môi trường có nhiều khả năng mua sắm với bạn vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên về lâu dài mọi thứ sẽ càng trở nên tồi tệ khi họ nhận ra sự giả tạo. Hơn hết doanh nghiệp phải làm những gì đã công bố trong chiến dịch tiếp thị xanh. Ở phần sau mình sẽ đưa ra ví dụ thực tế giúp các bạn thấy rõ vấn đề này.

  • Áp dụng trên quy mô toàn bộ công ty

Tính bền vững không thể chỉ đơn giản là một con dấu tự áp đặt để giúp bạn nhanh chóng nhảy vào cuộc đua tiếp thị xanh. Thay vào đó, nó phải trở thành một phần không thể thiếu của triết lý công ty, mà tất cả nhân viên đều ủng hộ, cả bên trong và bên ngoài công ty. Muốn vậy, bạn phải truyền đạt chiến lược phát triển bền vững của mình trong nội bộ và chung lý tưởng cùng nhau phát triển chiến lược đó trong công ty. Không có doanh nghiệp nào thể hiện mình phát triển bền vững mà lại làm những việc thiếu tính bền vững được.

  • Thông tin rõ ràng cho khách hàng

Khách hàng mục tiêu cần được nhận nhận biết tầm quan trọng, có đầy đủ thông tin và hiểu rõ về các chiến dịch green marketing của doanh nghiệp. Thường xuyên truyền thông tác động qua lại hai chiều, truyền đạt các giá trị của bằng nội dung và các ví dụ minh họa về quá trình sản xuất sản phẩm.

  • Cho khách hàng cơ hội cùng tham gia

Khách hàng trực tiếp tham gia vào các hoạt động trong chiến dịch tiếp thị xanh của tổ chức bởi khách hàng là một thành phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị của công ty.

V. Tiếp thị xanh hoạt động như thế nào?

Tiếp thị xanh là một thành phần của một phong trào rộng lớn hơn, hướng tới các hoạt động kinh doanh có ý thức về môi trường và xã hội. Người tiêu dùng ngày càng mong đợi các công ty thể hiện sự quan tâm của họ về vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Các ví dụ điển hình như giảm lượng khí thải carbon liên quan đến hoạt động của công ty, duy trì các tiêu chuẩn lao động trong nước và trong suốt chuỗi cung ứng quốc tế, tham gia các chương trình từ thiện vì cộng đồng.

Tiếp thị xanh truyền tải các hành động của doanh nghiệp giúp cải thiện vấn đề môi trường, những nỗ lực này ngày càng được thể hiện cùng với các chính sách xã hội và quản trị doanh nghiệp. Lý do rất đơn giản, nó tạo ra rất nhiều ưu đãi cho các công ty chọn tham gia vào tiếp thị xanh. Ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất là nó ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của nhiều người tiêu dùng thông qua ví dụ sau về Starbucks Coffee.

Starbucks Coffee - môt trong các công ty đi đầu về Green Marketing

Starbucks Coffee – môt trong các công ty đi đầu về Green Marketing

Ví dụ: Starbucks Coffee một trong số ít công ty không chỉ đi đầu áp dụng mà còn cam kết sử dụng các phương pháp thân thiện với môi trường để tiến hành thu hút người tiêu dùng. Starbucks ở Mỹ sử dụng năng lượng mặt trời trong các cửa hàng của mình để giảm thiểu việc sử dụng điện. Hay việc bán các sản phẩm ly đựng có in hình của thương hiệu này và các chương trình khuyến mãi cho khách hàng đem theo ly đến của hàng. Việc này nhằm giảm hạn chế việc khách hàng mang đi sử dụng ly nhựa gây tổn hại đến môi trường.

Tuy nhiên, một số người cho rằng tiếp thị xanh có thể tạo ra sự hạn chế với các công ty có quy mô nhỏ hoặc vừa của họ. Rốt cuộc, việc thực hiện các chương trình Marketing xanh kéo theo các chi phí. Đối với các công ty lớn, những chi phí này có thể dễ xử lý và thậm chí có thể tạo thành một phần trong ngân sách tiếp thị hiện có của công ty. Tuy nhiên, đối với các công ty nhỏ hơn, việc bổ sung các chi phí này có thể làm giảm đáng kể lợi nhuận hoặc khả năng tồn tại của doanh nghiệp.

1. Bài học xương máu về Green Marketing

Trong thời điểm nghị định Montreal về loại bỏ khí CFC hoàn toàn trong sản xuất tủ lạnh và máy lạnh, Whirlpool đã phát ra thị trường sản phẩm tủ lạnh Energy Wise – không sử dụng loại khí này với mức độ tiết kiệm điện trên 30% trở thành một trong những ý tưởng vĩ đại để truyền bá những thông điệp xanh vào đời sống dân Mỹ. Tuy nhiên, ngay đến ông chủ của Whirlpool cũng không thể ngờ ý tưởng táo bạo đó lại trở thành vết chàm của chính thương hiệu gia dụng hàng đầu thế giới.

Doanh số sản phẩm này nhanh chóng sụt giảm vì con số tiết kiệm điện năng 30% và mác thân thiện với môi trường vì không sử dụng khí CFC không thể bù lại được khoản “thâm hụt ngân sách” người tiêu dùng phải chịu 100 – 150 USD cho chi phí điện hàng tháng. Bên cạnh đó, tính bảo vệ môi trường bị lý tưởng hóa trong khi tính mới của sản phẩm về thiết kế, chất lượng, chi phí không được quan tâm đúng mức, đã kéo xuống chất lượng của sản phẩm đi xuống.

Đây là một trong những bài học nhớ đời, nếu doanh nghiệp có ý tưởng xây dựng chiến lược Green Marketing hiệu quả nhất. Doanh nghiệp tạm ngừng chiến lược tiếp thị truyền thống và hướng đến con đường bảo vệ môi trường là điều nên làm, tuy nhiên doanh nghiệp nên xác định mục tiêu lớn nhất của doanh nghiệp chính là hướng đến lợi ích của người tiêu dùng và xã hội.

2. Nhu cầu của người tiêu dùng là chìa khoá thành công câu chuyện về chiếc xe hơi Prius

Những nghiên cứu về hiệu quả của Marketing nói chung và Green Marketing cho thấy, một chiến dịch chỉ có thể phát huy hết được sức mạnh khi biết cách kết hợp những lợi ích của người tiêu dùng với thông điệp bảo vệ môi trường bằng cách đặt chúng trong mối quan hệ tương quan giữa chất lượng xanh của sản phẩm và chi phí.

Bên cạnh đó, Marketer cần phải khai thác các yếu tố về insight khách hàng, nhu cầu về cải tiến sản phẩm, những mong đợi khác về thiết kế, tính thuận tiện, dễ sử dụng… Doanh nghiệp phải đảm bảo hòa phối được các nhân tố đó trong một sản phẩm để chắc chắn rằng, lựa chọn sản phẩm bên bạn với mức giá cao hơn là quyết định đúng đắn của bạn. Cùng xem chiếc xe hơi Prius của Toyota áp dụng điều này tốt ra sao nhé.

Trái ngược với quyết định sai lầm của Whirlpool khi tung ra thị trường sản phẩm xanh: tủ lạnh Energy wise trong ví dụ trên. Sản phẩm xe hơi Prius của ToYota – sản phẩm xanh thành công nhất nhờ sự hậu thuẫn của chiến lược Green Marketing.

Kết hợp tiếp thị sản phẩm và tiếp thị xanh tạo ra cơn sốt bán hàng

Kết hợp tiếp thị sản phẩm và tiếp thị xanh tạo ra cơn sốt bán hàng

Ngay khi trình làng sản phẩm, thay vì nhấn mạnh đến tác dụng bảo vệ môi trường của xe, chủ nhân của Prius vẫn giữ nguyên phương thức tiếp thị về chất lượng khi cho người tiêu dùng thấy được tiện ích vượt mặt đối thủ như: phong cách thu hút, di chuyển êm ái, siêu tiết kiệm nhiên liệu của động cơ để thu hút đối tượng khách hàng mục tiêu.

Sau khi xây dựng được hình ảnh về một sản phẩm mới và nhận được phản hồi từ người dùng, Prius tiếp tục thuyết phục khách hàng của họ bằng loạt quảng cáo gắn hình ảnh của chiếc xe đầy tiện ích bất ngờ đó với những ngôi sao nổi tiếng với nhiều chiến lược bảo vệ môi trường để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.

Kết quả Prius cháy hàng bởi rất đông khách tìm đến mua sản phẩm không chỉ vì những lợi ích bất ngờ nhận được mà còn muốn minh chứng rằng, họ là người có ý thức bảo vệ môi trường.

Xem thêm: 8 Mạng Xã Hội nên làm Marketing để tiếp cận Khách Hàng Tiềm Năng

Cùng là chiến dịch về Green Marketing nhưng câu trả lời thông qua cách hành động của doanh nghiệp để triển khai dự án quyết định tính thành công của chiến lược tiếp thị. Khách hàng là trung tâm, đồng thời phối hợp nhịp nhàng, kết nối những lợi ích với mục tiêu cải tạo môi trường tốt hơn chính là cách giúp doanh nghiệp làm Green Marketing hiệu quả.

VI. Tiếp thị xanh có hiệu quả đối với những loại khách hàng nào?

Green Marketing thường tạo ra các chi phí tăng thêm mà người tiêu dùng sẽ phải chịu. Điều này là do việc sử dụng các vật liệu đắt tiền hơn như các sản phẩm tái chế vì mục tiêu giảm chất thải; và do các sản phẩm này thường phải cạnh tranh với các hàng hóa khác không thân thiện với môi trường, và nhiều lí do khác.

Vấn đề là người tiêu dùng có chịu trả thêm tiền cho các công ty thực hiện marketing xanh không?

Khảo sát toàn cầu năm 2014 của Nielsen về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã kêu gọi 30.000 người tiêu dùng từ 60 quốc gia cho biết sở thích của họ đối với các sản phẩm xanh, và thấy rằng phần lớn người tiêu dùng thực sự sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm xanh.

Khách hàng yêu thích sản phẩm xanh

Khách hàng yêu thích sản phẩm xanh

Tuy nhiên, thực tế là các sản phẩm xanh giá cao hơn luôn phải tranh giành thị phần. Trong nhiều ngành, họ chỉ chiếm 3% tổng thị phần trên thị trường tiêu dùng. Trong thị trường B2C, tiếp thị xanh thường mang lại kết quả cao hơn. Điều này không có nghĩa là phần lớn người mua không quan tâm đến tiếp thị xanh, nhưng nó có nghĩa là họ cũng quan tâm đến các đề xuất giá trị cạnh tranh khác, bao gồm chất lượng, sự tiện lợi và chi phí.

Theo nghiên cứu của Viện tiếp thị quốc gia Hoa Kỳ (AMA) ước tính rằng khoảng 80% người tiêu dùng tham gia vào hoạt động tiếp thị xanh ở một mức độ nào đó, với khoảng 17% người tiêu dùng rất xem trọng vấn đề này. Nhóm người tiêu dùng này, được gọi là LOHAS (Lifestyles of Health and Sustainability – Sức khỏe và Bền vững), là những người có nhiều khả năng trả giá cao nhất cho các sản phẩm xanh do ảnh hưởng từ giáo dục và có nguồn thu nhập cao.

Một phân khúc thị trường có liên quan, được chỉ định là Naturalites, chiếm thêm 19 phần trăm dân số. Nhóm này (cũng giàu có và có trình độ học vấn cao hơn so với dân số chung) quan tâm đến các sản phẩm xanh vì chúng thu hút sự quan tâm đến sức khỏe. Họ có nhiều khả năng mua thực phẩm hữu cơ, nhưng ít quan tâm đến tiếp thị xanh cho các sản phẩm lâu bền.

Những người tiêu dùng nhạy cảm với giá cả là những người ít phản ứng nhất với tiếp thị xanh. Đối với những người có thu nhập khả dụng ít hơn, việc tiết kiệm tiền của họ trở thành mối quan tâm ngay lập tức. Do đó, tiếp thị xanh phải đối mặt với một thách thức đặc biệt trong thời kỳ kinh tế suy thoái, vì giá cả trở thành một yếu tố lớn hơn trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

VII. Quy trình cơ bản trong Green Marketing

1. Chuẩn bị

Không có bất cứ chiến dịch Marketing nào không cần đến sự chuẩn bị và Green Marketing không phải ngoại lệ. Một kế hoạch marketing xanh được vạch ra cụ thể trên 3 phương diện thiết kế, sản xuất và đóng gói. Cả ba khâu này đều tuân thủ dựa trên khẩu hiệu 3R (Reuse, Reduce, Recycle).

Chất lượng sản phẩm là tiêu chuẩn quan trọng nhất, song ngoại hình của sản phẩm trong Green Marketing cũng được chú ý một cách đặc biệt. Khâu sản xuất, doanh nghiệp sẽ áp dụng những ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao giảm thiểu lượng khí thải, hóa chất ra môi trường, tiết kiệm và cắt giảm được chi phí và nguyên liệu. Khâu đóng gói, bên cạnh giảm về kích thước sản phẩm, sử dụng những nguyên liệu dễ phân hủy dưới điều kiện thường hoặc có khả năng tái chế.

Chuẩn bị - Bước quan trọng trong quy trình Green Marketing

Bao bì và ngoại hình sản phẩm – thứ được chú trọng trong Green Marketing

2 Đưa sản phẩm ra thị trường

Đây là giai đoạn quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả của chiến lược Green Marketing như thế nào. Quy trình đưa sản phẩm ra thị trường bắt buộc trải qua 3 bước: Đề ra mức giá xanh, thiết lập những kênh phân phối xanh tiến hành các hoạt động cho chiến lược này.

Green Marketing có xu hướng đánh vào tâm lý tự nguyện trả tiền ở mức giá cao hơn vì nguyên liệu đầu vào lẫn quá trình sản xuất phức tạp hơn so với hình thức sản xuất truyền thống.

Việc ấn định mức giá của sản phẩm trong lần đầu tiên chạy chiến lược xanh khiến không ít các doanh nghiệp đau đầu. Mức giá phát hành sản phẩm cao và chênh lệch sâu với các loại hình khác trên thị trường sẽ tác động mạnh đến tâm lý mua hàng, tuy nhiên nếu đặt với mức giá trung bình, dễ làm doanh nghiệp lỗ mạnh vì thực tế chi phí bỏ ra cao hơn nhiều so với sản phẩm ứng dụng công nghệ cũ.

Đưa sản phẩm ra thị trường một bước quan trọng trong Green Marketing

Đưa sản phẩm ra thị trường một bước quan trọng trong Green Marketing

Tìm được kênh phân phối xanh phù hợp. Các kênh này phải đáp ứng được số lượng khách hàng mục tiêu cao, có thiện cảm với chiến dịch xanh của doanh nghiệp và sẵn sàng bỏ ra một mức tiền lớn hơn để nhận lại những giá trị xanh. Trong đó chú ý về cả chất lượng, giá trị mà sản phẩm mang lại, đồng thời nhấn mạnh những hiệu quả tích cực của nó với môi trường.

Tạm Kết

Green Marketing hay Tiếp Thị Xanh sẽ là hướng đi lâu dài mang lại hiệu quả tốt đối với các công ty. Nó không những là giải pháp hạn chế gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên mà còn là cách mà công ty thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội. Hy vọng thông qua nội dung này bạn có thể hiểu rõ hơn về chiến lược Marketing xanh.

Câu hỏi thường gặp

Ý nghĩa của tiếp thị xanh là gì?

Tiếp thị xanh mô tả những nỗ lực của một công ty nhằm quảng cáo tính bền vững về môi trường trong các hoạt động kinh doanh của mình. Sự xuất hiện của một bộ phận người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các yếu tố môi trường và xã hội đã dẫn đến việc tiếp thị xanh trở thành một thành phần quan trọng trong quan hệ công chúng của doanh nghiệp.

Lợi ích của green marketing là gì?

1. Cải thiện uy tín

2. Cơ hội thâm nhập thị trường mới

3. Tăng trưởng dài hạn

4. Cung cấp lợi thế cạnh tranh

5. Thêm chỗ cho sự đổi mới

6. Tốt cho môi trường

Các yếu tố của marketing xanh là gì?

1. Thiết kế xanh

2. Định vị thương hiệu xanh

3. Chiến lược giá cả thân thiện

4. Hoat động logistic xanh

5. Vòng đời sản phẩm thân thiện với môi trường

Những nhược điểm của tiếp thị xanh là gì?

Nếu bạn là một công ty đã thành lập, việc thay đổi cách tiếp thị và xây dựng thương hiệu của bạn cần phải có thời gian và công việc nghiêm túc. Nếu sản phẩm của bạn hoặc quy trình sản xuất của bạn chưa xanh, thì việc thay đổi phương pháp và sản phẩm của bạn sẽ không hề rẻ. Các công ty sử dụng dịch vụ rửa xanh có thể cắt giảm thị phần của bạn mà không cần chi tiêu nhiều.

Mục tiêu của tiếp thị xanh là gì?

Mục đích của tiếp thị xanh rất đa dạng, từ việc tránh lãng phí thông qua việc sử dụng các vật liệu có thể phân hủy sinh học, nghĩa là nó có thể được phân hủy bằng các biện pháp sinh học; tạo ra các sản phẩm bảo vệ hơn là gây hại cho môi trường; và giáo dục công chúng thông qua tin nhắn thân thiện với môi trường.

Tại sao các công ty nên sử dụng green marketing?

Có những cơ hội tuyệt vời cho các công ty áp dụng chiến lược tiếp thị xanh nhờ kết hợp hiệu quả tính bền vững về môi trường và kinh tế. Người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm tới 15% cho cùng một sản phẩm để chọn một sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về tính bền vững của môi trường.

Bài viết này có hữu ích với bạn không? Hãy cho tôi biết đánh giá của bạn nhé!
[Tổng: 5 Trung bình: 5]

Nhận Thông Báo Nội Dung Mới 

ABC Digi xuất bản nội dung mới hàng tuần, chúng tôi sẽ cập nhật cho bạn qua email 1 lần/tuần. Hoàn toàn miễn phí. Hãy điền thông tin để nhận thông báo.

Nếu bạn bất kỳ câu hỏi hay góp ý nào, bạn hãy bình luận bên dưới, hoặc bạn có thể vào Group FB Cộng Đồng ABC Digi để hỏi đáp & thảo luận các vấn đề về Digital Marketing.

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Loading...