DNK Marketing Note – Tuần 02 Năm 2024

bởi | 15.01.2024 | DNK Marketing Note, Tâm Sự


Chào bạn, tôi là Nguyễn Hoàng Đức, anh em trong ngành hay gọi là Đức Ngộ Không. Tôi là Founder và CEO của ABC Digi. Trong quá trình làm nghề và đào tạo, tôi có rất nhiều suy ngẫm về những gì mình làm và những gì diễn ra xung quanh mình. Trước đây, tôi chỉ giữ những suy ngẫm này cho riêng mình. Tuy nhiên, tôi thấy rằng việc giữ riêng cho mình như vậy thì cũng không được gì, nên tôi quyết định sẽ viết ra và chia sẻ với mọi người để chúng ta cùng thảo luận.

DNK Marketing Note là các ghi chú nhanh những suy ngẫm của tôi về marketing và kinh doanh. Tôi post những note này hầu như hàng ngày trên Facebook cá nhân của mình. Tôi biết nhiều bạn không theo dõi Facebook của tôi, nên tôi đăng lại trên website mỗi tuần 1 lần để mọi người có thể theo dõi.

Dưới đây là những ghi chú nhanh về marketing và kinh doanh tôi đã chia sẻ trong tuần vừa qua (tuần thứ 2, năm 2024):

Ngày 12/01/2024

Liệu rằng khách hàng có trung thành như chúng ta nghĩ? Tôi thì không tin vào sự trung thành này lắm. Tất nhiên là có những thương hiệu tuyệt vời đã tạo ra được cả một giáo phái ủng hộ cho họ như Harley Davidson hay LV, nhưng có thể thấy đây toàn là những thương hiệu xa xỉ, đã đạt tới một đẳng cấp rất cao.

Hoặc như những thương hiệu bình dân khác, như Coca, Pepsi, cũng có những fan trung thành. Nhưng kiểu trung thành này khác với kiểu của Harley hay LV, tôi nghĩ kiểu trung thành này là do mật độ quảng cáo và hiện diện của họ quá nhiều, và trở thành top of mind nhờ vào sự hiện diện chứ không hẳn là một điều gì đó thực sự giá trị như nhiều người vẫn nghĩ kiểu: để làm thương hiệu và có khách hàng trung thành thì phải cho đi thật nhiều giá trị.

Tôi nghĩ tần suất hiện diện sẽ quan trọng hơn việc tạo giá trị. Trừ khi giá trị cho đi là vô cùng lớn, đủ mạnh mẽ để nó được lan truyền và để lại ấn tượng khó phai thay cho mật độ hiện diện dày đặc. Kiểu này giống như được 1 cô gái hôn sẽ khiến ta nhớ hơn là 1 cô gái nào đó lạng qua lạng lại 100 lần.

Vì thế, để tạo ra khách hàng trung thành, mua đi mua lại (tất nhiên là sản phẩm của chúng ta phải đủ tốt để khách hàng quay lại mua tiếp), nếu như việc tạo ra giá trị là một điều gì đó khó khăn quá, thì chúng ta có thể chọn ra 1 tệp khách mục tiêu và liên tục hiện diện trước mặt họ bằng nhiều cách khác nhau. Đẹp trai không bằng chai mặt.

Ngày 11/01/2024

Khi được một hãng sơn tiếp cận và giới thiệu loại sơn mới có khả năng chống bám bụi rất tốt, giảm đốc sản phẩm của Harley Davidson đã từ chối nhanh chóng.

Ông nói rằng một trong những niềm vui của những người sở hữu xe Harley đó là được tự mình lau rửa xe sau những chuyến đi đầy bụi bặm. Vì thế ông không muốn tước đi niềm vui đó của khách hàng với loại sơn mới này.
Chúng ta đã hiểu khách hàng của mình tới mức nào?

Harly davidson motorbike

Ngày 10/01/2024

Con người có 2 động lực chính để chia sẻ một nội dung nào đó:

1 – Tạo giá trị cho cộng đồng theo dõi họ. Họ sẽ chia sẻ nếu như nội dung thực sự chất lượng và có thể áp dụng ngay vào cuộc sống, giúp ích cho họ và cộng đồng những ai theo dõi họ.

2 – Thể hiện con người của họ, họ mượn nội dung đó để nói với thế giới rằng tôi là người như thế này, hay cuộc sống của tôi là như thế kia.

Cứ tạo nội dung đáp ứng 1 trong 2, hoặc cả 2 điều trên thì chắc chắn sẽ có nhiều tương tác và chia sẻ.

Ngày 09/01/2024

Tại sao lại phải ngại quảng cáo cho sản phẩm của mình nếu như bản thân mình tin tưởng và tự hào về nó? Chúng ta chỉ nên ngại ngùng khi quảng cáo 1 sản phẩm theo kiểu nói quá lên về lợi ích thực tế của nó.

Quảng cáo không phải là nói quá, nói láo. Quảng cáo là giúp khách hàng có thêm thông tin, để hiểu rõ tác dụng thực sự của sản phẩm, tin tưởng vào thương hiệu và có thêm sự lựa chọn. Nếu chúng ta có sản phẩm tốt mà không chịu làm truyền thông, để khách hàng phải sử dụng những sản phẩm khác kém chất lượng hơn mà chi phí lại cao hơn, thì chúng ta cũng có một phần trách nhiệm.

Chúng ta đã làm kinh doanh, mà còn ngại quảng cáo cho sản phẩm của chính mình, thì cũng cần xem lại ý định kinh doanh thực sự. Chúng ta cũng đang thiếu trách nhiệm cho việc phát triển công ty của mình. Kiểu như đẻ con ra nhưng ngại nuôi con khôn lớn.

Bài viết này có hữu ích với bạn không? Hãy cho tôi biết đánh giá của bạn nhé!
[Tổng: 3 Trung bình: 5]

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *