Viết Đối Tượng – Kỹ Thuật Đơn Giản Nhất Giúp Bạn Tạo Thói Quen & Yêu Thích Viết Content

bởi | 27.12.2022 | Copywriting, Content Marketing


Viết content không phải quá khó khăn nhưng để đạt được một bài content “chạm đến cảm xúc” là điều không phải đạt được một sớm một chiều mà phải tích lũy qua luyện tập và kinh nghiệm. Ngoài ra, với những bạn mới luyện viết, còn ngại viết và cảm thấy nhiều khó khăn khi viết, thì các bạn cần 1 kỹ thuật để có thể viết thoải mái hàng ngày, từ đó hình thành thói quen và yêu thích việc viết lách hơn. Trong bài viết này tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn một kỹ thuật giúp bạn luyện tập thói quen viếtnâng cao khả năng viết cực kỳ hiệu quả trong 20-30 ngày . Kỹ thuật này mang tên là Viết Đối Tượng.

Kỹ thuật này sẽ khiến cho các bạn cảm thấy viết là một thú vui như chúng ta luyện tập thể dục. Nếu tập tạ giúp rèn luyện cơ bắp thì viết sẽ giúp chúng ta tập thể dục cho trí não.

I. Giới thiệu kỹ thuật Viết Đối Tượng

1. Kỹ thuật viết đối tượng là gì?

Tôi tình cờ phát hiện ra kỹ thuật viết này khi đọc 1 cuốn sách vào năm 2019. Tôi đã sử dụng nó cho bản thân và hướng dẫn cho hàng ngàn học viên content của mình. Kết quả mang lại là vô cùng tích cực. Có nhiều bạn từng rất sợ viết, nhưng khi luyện tập bằng kỹ thuật đơn giản này thì đã trở nên yêu thích việc viết lách chỉ sau 20-30 ngày.

Hơn thế nữa, nhiều bạn còn nói với tôi rằng kỹ thuật này mang lại thêm niềm vui và hạnh phúc cho họ hàng ngày. Tại sao lại như vậy? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết ở bên dưới.

Về định nghĩa, viết đối tượng tức là viết về 1 đối tượng nhất định, có thể là 1 đồ vật, sinh vật, hiện tượng, sự kiện… nó chính là văn mô tả, nhưng nó tập trung vào việc mô tả các xúc giác của chúng ta khi nghĩ về đối tượng đó.

Không giống như khuôn mẫu tập làm văn như thời chúng ta còn đi học hay một khuôn mẫu viết bài chuẩn SEO nào đó, những gì kỹ thuật này mang lại là phút giây thoải mái, giúp khai thác vốn từ vựng bạn đang có một cách tối đa và thường xuyên (nếu bạn áp dụng nhiều). Sử dụng kỹ thuật này, nó sẽ giúp bạn viết không gò bó, không áp lực theo khuôn mẫu, khiến bạn vô cùng thoải mái trong việc tư duy và làm nội dung tốt hơn việc của bạn chỉ là chọn chủ đề luyện viết content mà thôi.

Kỹ thuật viết đối tượng giúp bạn cảm thấy không sợ việc viết

Kỹ thuật viết đối tượng giúp bạn cảm thấy không sợ việc viết

2. Nguồn gốc của kỹ thuật viết đối tượng

Kỹ thuật Viết Đối Tượng được phát triển bởi trường một trường đại học nghệ thuật chuyên đào tạo ca sĩ và nhạc sĩ ở nước Đức. Nhờ có kỹ thuật này, các sinh viên có thể có thêm cách thức giúp họ có thêm nội dung, tư liệu, cảm hứng để sáng tạo nên các bài hát hoặc nhạc kịch hay đơn giản chỉ là giúp họ viết content hay hơn mỗi ngày.

II. 4 bước của kỹ thuật viết đối tượng

Bước 01: Liệt kê danh sách các đồ vật / kỷ niệm mang lại niềm vui

Để có thể thực hiện được kỹ thuật này một cách tốt nhất, bước đầu tiên bạn nên có cho mình một danh sách những đối tượng mang lại niềm vui khi bạn nhìn thấy hoặc nghĩ về chúng. Hãy chọn những đồ vật hoặc sự kiện trong quá khứ có ý nghĩa đối với bạn.

Chúng có thể là album ảnh, một món quà nào đó, chiếc xe đạp, bằng khen, một bữa ăn thật đáng nhớ, hay buổi lễ tốt nghiệp… Có thể là đồ vật còn hiện hữu, hoặc một món đồ đã không còn nhưng có ý nghĩa với bạn.

Ví dụ: chiếc xe đạp có nhiều kỉ niệm vui buồn nhưng đã bị mất; buổi lễ tốt nghiệp cấp hai; chuyến đi phượt đầu tiên; chiếc áo mẹ tặng khi đỗ đại học…

Để nhận thất kết quả rõ rệt nhất, bạn hãy liệt kê 30 đối tượng để viết liên tục trong 30 ngày. Bạn nên liệt kê những đối tượng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bạn khi nghĩ về chúng nhé.

ky thuat nang cao kha nang viet content abcdigi marketing 1.1

Liệt kê ra những thứ có kỷ niệm với bạn là bước đầu tiên trong kỹ thuật này

Bước 02: dành 5 phút để suy nghĩ và cảm nhận về đối tượng

Sau khi đã có danh sách được lập theo Bước 1, mỗi ngày bạn hãy dành 5 phút để suy nghĩ và cảm nhận về một đối tượng một cách thoải mái nhất theo tất cả những khía cạnh sau:

Nhìn: Ngoại hình của nó như thế nào? Màu sắc của nó ra sao?

Nghe: Đồ vật đó phát ra tiếng động hay không. Gồm, tiếng động nội tại là tiếng động khi bạn gõ vào hay chỉ cần nhìn nó khiến bạn liên tưởng đến âm thanh gì?

Ngửi: Đồ vật đó có mùi như thế nào? Nó khiến bạn liên tưởng đến thứ gì?

Nếm: Đồ vật đó có vị như thế nào? Nó khiến bạn liên tưởng đến thứ gì?

Chạm: Đồ vật đó mang lại cảm giác / liên tưởng như thế nào khi chạm vào? Nó có sần sùi, gồ ghề hay nó lạnh/ấm. Hay sự kiện thì nó làm bạn có cảm giác gì khi nhớ đến?

Ví dụ: Tại buổi trao bằng thì khi các bạn lên nhận bằng các bạn thấy như thế nào, thấy nóng hay thấy lạnh, thấy bồi hồi,  thấy run chân, nghẹn ngào. Hãy ghi chú lại tất cả trong trí nhớ, mọi thứ đều có ích.

ky thuat nang cao kha nang viet content abcdigi marketing 2 1

Hãy dành thời gian để suy nghĩ và cảm nhận về đối tượng

– Sự chuyển động: Khi bạn nhìn – nghe – ngửi – nếm – chạm vào đối tượng đó thì bạn cảm thấy cơ thể của bạn chuyển động ra sao?

Ví dụ: Khi nghĩ về đồ vật, món đồ và sự kiện nào đó bạn cảm thấy có một nụ cười nhẹ nhàng xuất hiện. Hay khi bạn nhắm mắt và nhớ về một điều gì đấy, bạn cảm thấy cơ thể bạn được thả lỏng, nhún nhảy, lắc lư. Hay khi nhớ về chuyến đi phượt, bạn bỗng đưa 2 hai tay lên như đang lái xe, hoặc đón những cơn gió.

– Sự cảm nhận: Khi bạn nhìn – nghe – ngửi – nếm – chạm vào đồ vật đó, trong bạn nảy sinh cảm xúc gì. Bạn cảm thấy vui vẻ hay một nỗi buồn man mác? Việc chúng ta tập trung vào mỗi ngày một niềm vui, một điều hạnh phúc sẽ giúp cho bản thân chúng ta tràn đầy năng lượng tích cực. Đây chính là lý do vì sao nhiều bạn học viên của tôi nói rằng họ cảm thấy hạnh phúc hơn khi luyện tập kỹ thuật này hàng ngày. Bạn nên dành 20 phút vào buổi sáng đầu ngày để luyện tập kỹ thuật này, việc này sẽ giúp bạn khởi động ngày mới một cách đầy tích cực.

– Sự liên tưởng: Khi bạn nhìn – nghe – ngửi – nếm – chạm vào đối tượng đó, bạn liên tưởng đến điều gì, đồ gì, đến ai? Có thể bạn liên tưởng đến một người bạn, một sự kiện nào đó hay đến điều gì đó.

Xem thêm: 2 công thức viết content PAS và PBS con sen nào cũng nên biết

Bước 03: Viết liên tục trong 10-20 phút, không dừng

Sau khi đã dành dành 5 phút để suy nghĩ và cảm nhận về đối tượng, bạn hãy lấy đồng hồ ra đặt thời gian và viết liên tục trong 10 phút không dừng. Hãy viết ra một cách thoải mái. Bạn nghĩ ra ý gì, từ gì thì viết xuống như vậy, nó có thể kỳ cục, nhưng không sao, càng kỳ cục, càng lạ càng tốt.

Kỹ thuật này không quan trọng viết đúng hay sai mà quan trọng viết không ngừng nghỉ trong vòng 10 phút. Hãy viết ra cảm xúc thật, những thứ bạn nghĩ trong đầu, đừng phán xét hay chỉnh sửa gì cả.

Chúng ta hay mắc một cái lỗi là ngại viết vì sợ viết sai, bởi vì cứ ngại nên lại càng không dám viết. Kỹ thuật này sẽ phá vỡ cái rào cản đó. 10 phút vô cùng nhanh, nó lướt qua như cơn gió mùa hè vậy, hầu hết những ai mà tôi hướng dẫn kỹ thuật này đều có chung một cảm giác như vậy.

ky thuat nang cao kha nang viet content abcdigi marketing 3

Viết liên tục không dừng mà không cần quan tâm đúng sai về đối tượng

Lưu ý quan trọng là không được chỉnh sửa trong khi viết, đấy là việc sau khi đã viết xong 10 phút. Đừng dừng lại làm mất mạch suy nghĩ của bạn. Khi viết, bạn cũng không cần quan tâm đến ngữ pháp, sau khi viết xong, bạn có thể chỉnh sửa lại chính tả hay ngữ pháp nếu cần.

Xem thêm: Content nurturing là gì? – Cách tạo ra nội dung giữ chân khách hàng một cách tự nhiên

Bước 04: Ghi chú lại cụm từ hay

Sau 10 phút, khi đã viết ra những điều mà mình nghĩ đến, thì bạn sẽ đọc lại và ghi chú lại những cụm từ, những câu, những liên tưởng mà bạn cảm thấy hay ho và ấn tượng trong bài viết để sử dụng trong tương lai.

Việc ghi chú này đôi khi sẽ khiến bạn bất ngờ tại sao mình lại có thể nghĩ ra được những thứ hay đến như vậy. Ghi chú và tích luỹ lại những câu những “nguyên liệu” này sẽ giúp bạn rất nhiều khi làm nội dung sau này.

Sau bước ghi chú này, bạn có thể hiệu chỉnh lại chính tả, ngữ pháp, hoặc sắp xếp lại ý để thành 1 bài viết hoàn chỉnh. Thế nhưng với mục tiêu là luyện tập thói quen viết thì việc hiệu chỉnh này không cần thiết, nó sẽ làm bạn tốn thêm thời gian và tạo ra rào cản khiến bạn ngại viết.

Bạn chỉ cần làm đúng theo 4 bước trên trong vong 30 ngày, mỗi ngày 15-20 phút, thì bạn sẽ hình thành thói quen và yêu thích việc viết lách, và tất nhiên là kỹ năng viết của bạn cũng sẽ cải thiện đáng kể.

III. Tạm Kết

Kỹ thuật này không có đúng hay sai, mà chỉ đơn giản giúp chúng ta viết ra hết những thứ có trong đầu, luyện cho chúng ta cách mô tả sự vật / hiện tượng một cách cảm xúc nhất, vậy thôi. Sau 20-30 ngày luyện tập liên tục, bạn sẽ hình thành thói quen viết, không còn ngại viết nữa, thậm chí còn cảm thấy viết lách là một niềm vui khó tả.

Bài viết này có hữu ích với bạn không? Hãy cho tôi biết đánh giá của bạn nhé!
[Tổng: 4 Trung bình: 5]

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *