Định Nghĩa, Bản Chất & 8 Vai Trò Ít Người Biết của Marketing

bởi | 20.12.2022 | Foundation


Với rất nhiều người là tay ngang bước vào nghề thì chúng ta hình dung rằng Marketing (tiếp thị) chỉ dùng lại ở bước truyền thông, branding và làm quảng cáo bán hàng. Nhưng chúng ta không biết rằng Marketing đóng vai trò xuyên suốt trong hầu hết tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bài viết dưới đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu Marketing là gì, marketing có vai trò như thế nào và đóng góp ra sao trong hoạt động kinh doanh.

infographic dinh nghia vai tro marketing scaled

I. Định Nghĩa và Bản Chất của Marketing

1. Marketing là gì?

Marketing, hay dịch ra tiếng Việt là Tiếp Thị, có rất nhiều định nghĩa khác nhau, trong bài viết này chúng ta sẽ đưa ra 2 định nghĩa được đưa vào giảng dạy nhiều nhất ở nước ta. Thứ nhất là trong cuốn Principles of Marketing – đây là cuốn sách giáo trình bậc đại học cơ bản được giảng dạy trên toàn thế giới của 2 tác giả Philip Kotler & Gary Armstrong, 2 người được xem là cha đẻ của Marketing hiện đại. Với định nghĩa của cuốn sách này

Marketing (tiếp thị) là một quá trình mà ở đó Doanh nghiệp tương tác và xây dựng một mối quan hệ vững mạnh với khách hàng, sau đó tạo ra giá trị cho họ và cuối cùng chúng ta mới thu lại giá trị khác từ khách hàng.

Định nghĩa về Marketing trong Principles of MKT của 2 tác giả Philip Kotler & Gary Armstrong

Định nghĩa về Marketing trong Principles of Marketing của 2 tác giả Philip Kotler & Gary Armstrong

Hãy nhớ Marketing là cả một giai đoạn rất là dài trước khi gặt hái được quả ngọt. Tập trung vào các từ khóa: tương tác, xây dựng mối quan hệ bền vững và tạo ra nhiều giá trị cho khách hàng.

Một định nghĩa khác mà chúng ta có thể tham khảo:

Tiếp thị là việc tạo ra, truyền thông và phân phối những loại sản phẩm và dịch vụ khác nhau đến với người tiêu dùng hoặc các doanh nghiệp khác nhằm thu về lợi nhuận. 

Ở định nghĩa này, có thể thấy Marketing có những công việc rõ ràng hơn định nghĩa ban đầu. Chữ “tạo ra” cho thấy Marketing có liên quan đến vấn đề về sản xuất. Chúng ta biết rằng marketing có liên quan đến việc truyền thông mà ít ai biết marketing cũng tham gia vào quá trình tạo ra và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng cuối là các khách hàng sử dụng sản phẩm (consumer) và doanh nghiệp.

Xem thêm: 7 Bước Lập Kế Hoạch Content Marketing Đa Kênh

2. Bản chất của Marketing

2.1. Consumer-Oriented – tập trung vào người tiêu dùng

Hãy lưu ý một chút chỗ này, Marketing là tập trung vào người tiêu dùng (consumer) chứ không phải là khách hàng (customer). Chúng ta đang làm Marketing theo phong cách hiện đại. Theo phong cách này, sản phẩm được tạo ra giúp giải quyết một vấn đề nào đó của người tiêu dùng. Vì thế , hãy bắt đầu hoạt động Marketing của bạn bằng việc tìm kiếm các vấn đề của người tiêu dùng, sau đó chọn tệp khách hàng đang có vấn đề này làm khách hàng mục tiêu của bạn và làm các hoạt động Marketing hướng đến họ, thu hút họ biến họ thành khách hàng của mình.

dinh nghia vai tro content abcdigi marketing 2

Marketing cần tập trung vào nhu cầu của người tiêu dùng

2.2 Vừa là nghệ thuật, vừa là khoa học

Marketing là nghệ thuật bởi trong marketing bao gồm các hoạt động như: Thiết kế, viết, làm phim, soạn nhạc…

Marketing là khoa học bởi nó tận dụng các nghiên cứu khoa học về tâm lý học, hành vi con người, thống kê học… từ đó đưa ra quyết định, sản phẩm mới dựa trên các số liệu đó để phục vụ nhóm khách hàng mục tiêu.

Marketing là sự kết hợp tuyệt vời giữa nghệ thuật và khoa học.

2.3. Là một quá trình trao đổi, là giao dịch giữa người mua và người bán

Hoạt động của marketing là một quá trình trao đổi. Chúng ta cho đi giá trị và nhận lại giá trị từ khách hàng.

2.4. Bắt đầu và kết thúc với người tiêu dùng

Như đã đề cập trước đó, Marketing là Consumer Oriented – tập trung vào người tiêu dùng. Từ người tiêu dùng chúng ta xác định được các vấn đề họ gặp phải, các nỗi đau mà họ đang chịu đựng và họ cần giải pháp gì. Từ đó biết được tệp khách hàng tiềm năng hay còn được gọi là khách hàng mục tiêu chúng ta hướng đến là ai – đây là điểm bắt đầu trong marketing. Khi đã hiểu rõ người tiêu dùng mục tiêu – khách hàng mục tiêu, chúng ta tạo ra các sản phẩm mang giải pháp đáp ứng được nhu cầu của họ.

Xem thêm: Tất tần tật về Hành Trình Khách Hàng cho người mới tìm hiểu

Một trong nhiều lý do khiến cho các bạn khởi nghiệp thất bại chính là chúng ta tìm ra một sản phẩm và sau đó chúng ta cố gắng bán nó cho mọi người. Chúng ta đang không bắt đầu với người tiêu dùng mà chúng ta đang bắt đầu bằng sản phẩm. Việc này dẫn đến việc sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và chúng ta thất bại. Hãy nhớ, tìm hiểu xem nhu cầu của thị trường và sau đó mới bán sản phẩm họ cần.

Slide7

Bản chất của Marketing trong hoạt động kinh doanh

Khi đã bán được hàng thành công, hãy nhớ khách hàng không chỉ mua sản phẩm của bạn một lần. Việc chăm sóc khách hàng là điều nên làm. Hãy chăm sóc họ đến khi họ không còn tương tác với doanh nghiệp, đó mới chính là điểm kết thúc của Marketing. Còn nếu họ vẫn còn tương tác dù ít hay nhiều, thường xuyên hay hiếm khi thì họ vẫn đang nằm trong một giai đoạn của hành trình khách hàng.

2.5. Tạo ra các giá trị thiết thực

Như đã đề cập ở trên, Marketing là một quá trình trao đổi, là giao dịch giữa người mua và người bán. Một quá trình trao đổi trọn vẹn bắt đầu bằng việc tạo ra giá trị thiết thực để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nếu bạn trao đi những giá trị không thiết thực khách hàng của bạn sẽ không cần đến chúng. Việc trao đi này là vô nghĩa và nó không tạo ra quá trình trao đổi. Bạn sẽ chỉ mãi cho đi và có thể sẽ không nhận lại được gì.

2.6. Tập trung vào mục tiêu kinh doanh

Các hoạt động Marketing phải hỗ trợ và giúp đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi mọi hoạt động của doanh nghiệp đều hướng đến việc tạo lợi nhuận và duy trì sự sống, sự phát triển của doanh nghiệp. Tương tự, bất kỳ hoạt động nào không vì lợi ích của doanh nghiệp thì đó là hoạt động thừa, lãng phí.

2.7. Định hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp

Marketing đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm của doanh nghiệp. Marketing cần phải chỉ ra được thị trường đang chuyển biến như thế nào, cần sản phẩm gì trong tương lai? Người tiêu dùng đang thay đổi hành vi như thế nào? Từ đó định hướng hướng đi cho doanh nghiệp trong tương lai.

2.8. Là một hệ thống các hoạt động tương tác trong kinh doanh nhằm tạo lợi nhuận và thỏa mãn khách hàng

Ở đây chúng ta nhấn mạnh rằng Marketing là chuỗi các hoạt động tương tác, chính vì thế nó được tạo bởi nhiều bước nhiều hoạt động liên kết với nhau tạo thành chuỗi. Nó không chỉ đơn thuần là việc viết một bài quảng cáo bán hàng hay một bài Pr xây dựng thương hiệu. Và điều nhấn mạnh thứ hai là các chuỗi tương tác này phải tạo ra lợi nhuận và thỏa mãn khách hàng.

II. Vai trò chức năng của Marketing

vai tro chuc nang cua marketing abcdigi 1

1. Tìm ra nhu cầu của người tiêu dùng – Identify needs of the consumer

Vai trò đầu tiên của marketing là xác định nhu cầu của người tiêu dùng. Như đề cập ở phần trên khi bạn tìm được nhu cầu của người tiêu dùng bạn sẽ sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ thỏa mãn tốt nhất cho nhu cầu đó.

dinh nghia vai tro content abcdigi marketing 4

Nhu cầu của khách hàng là thứ sản phẩm của chúng ta phải đáp ứng tốt

2. Lập kế hoạch và phát triển sản phẩm – Planning and product development 

Xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng đã xác định trước, chúng ta sẽ lập kế hoạch và phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường cũng như phù hợp với định hướng kinh doanh của công ty.

Ví dụ: Khi thực hiện một nghiên cứu chúng ta biết được rằng trong tương lai, vào năm 2023 thị trường sẽ rất thích sử dụng ngũ cốc. Từ đó chúng ta sẽ lên kế hoạch để phát triển sản phẩm ngũ cốc.

3. Chuẩn hóa sản phẩm – Standardisation and grading

Sau khi đã lập kế hoạch phát triển sản phẩm, tiếp theo cần xây dựng tiêu chuẩn và các thang điểm của sản phẩm để phát triển sản phẩm. Việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm giúp đảm bảo các sản phẩm được tạo ra có cùng chất lượng như nhau. 

Ví dụ: Thị trường sẽ rất thích những gói ngũ cốc 1kg và không thích những gói 2kg. Thị trường thích những loại ngũ cốc hạt nhỏ và không thích những loại ngũ cốc hạt to. Lúc này Marketing cần phải đưa ra yêu cầu chính xác cho bộ phận R&D nghiên cứu ra sản phẩm phù hợp.

4. Quy chuẩn đóng gói và nhãn mác sản phẩm – Packing and Labelling

Marketing sẽ phải thiết kế và đóng gói như thế nào cho phù hợp với thị hiếu của thị trường. Ngoài ra, thiết kế bao bì và nhãn mác phải giúp tạo ấn tượng ban đầu tốt nhất khi khách hàng nhìn thấy sản phẩm. 

Marketing sẽ phải thiết kế và đóng gói như thế nào cho phù hợp với thị hiếu của thị trường

Marketing sẽ phải thiết kế và đóng gói như thế nào cho phù hợp với thị hiếu của thị trường

Ví dụ: 

– Về đóng gói: Chúng ta nghiên cứu thị trường ngũ cốc và biết được mọi người thích sự tiện lợi và dễ dàng sử dụng. Lúc này Marketing sẽ đưa ra đề xuất sản xuất một túi ngũ cốc lớn 1kg được đóng từ 20 gói 50G nhỏ hơn. Khi tung sản phẩm ra thị trường mọi người phản hồi rất tốt vì thiết kế này rất tiện lợi. Mỗi buổi sáng, người tiêu dùng đi làm và đem theo một vài túi nhỏ 50G có thể dễ dàng sử dụng lúc nào cũng được.

– Về nhãn mác: Thị trường thích những gói màu gì, chữ như thế nào, hình ảnh ra sao.

5. Định vị thương hiệu – Branding and Customer service

Doanh nghiệp phải định vị thương hiệu của mình dành cho ai, bán ở đâu và dịch vụ kèm theo sản phẩm là gì? Xây dựng thương hiệu và dịch vụ khách hàng giúp xây dựng mối quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp với khách hàng.

Ví dụ: Sản phẩm của chúng ta là ngũ cốc vậy chúng ta có bán kèm theo dịch vụ tư vấn giảm cân, tư vấn tăng cân hay không?

Xem thêm: Vai Trò và Yếu Tố Thành Công của Bộ Nhận Diện Thương Hiệu

6. Định giá sản phẩm và xúc tiến thương mại – Pricing and Promotion 

Sau khi có định vị thương hiệu, thì chúng ta sẽ định giá sản phẩm cho phù hợp. Ví dụ: nếu định vị thương hiệu là hàng cao cấp thì giá phải cao, còn định vị là phân khúc giá rẻ bình dân thì giá phải thấp.

Sau khi định giá mới bắt đầu thực hiện các chương trình truyền thông, bán hàng và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận khách hàng bàn bán hàng hơn.

Hiện tại rất nhiều bạn kinh doanh hoặc làm marketing chỉ dừng lại ở bước Branding và Promotion này.

7. Hỗ trợ phát triển kênh phân phối – Distribution

Marketing cần phải tìm hiểu hành vi mua sắm của khách hàng mục tiêu như thế nào, qua đó xây dựng kênh phân phối giúp cung ứng hàng hóa thuận tiện nhất cho khách hàng. Ngoài ra, việc xác định cách phân phối sẽ giúp bạn xây chiến dịch truyền thông thích hợp, bởi mỗi kênh phân phối có những cách làm marketing khác nhau.

Marketing giúp hiểu hành vi mua sắm của khách hàng, xây dựng kênh phân phù hợp

Marketing giúp hiểu hành vi mua sắm của khách hàng, xây dựng kênh phân phù hợp

Ví dụ: Khách hàng thường xuyên mua hàng trên các hàng thương mại điện tử thì kênh phân phối phải ở trên các sàn thương mại điện tử. Hoặc khách hàng của chúng ta thường xuyên mua hàng trong siêu thị thì chúng ta phải đưa sản phẩm vào siêu thị… Hay họ thích mua hàng online trên Facebook, TikTok… thì chúng ta phải hiện diện trên đó.

Quan trọng là xác định đâu là kênh trọng yếu nhất để tập trung đầu tư và tìm chiến lược truyền thông phù hợp cho kênh đó.

8. Vận chuyển và kho bãi – Transportation and warehousing

Hỗ trợ vận chuyển và lưu kho giúp hàng hóa lưu thông một cách nhịp nhàng và hiệu quả nhất. Để làm tốt điều này, cần phải trả lời được các câu hỏi “Khách hàng của chúng ta ở đâu?”, “Khách hàng của chúng ta thích giao hàng như thế nào?” từ đó xây dựng hệ thống giao hàng nhà kho phù hợp với hành vi của khách hàng.

– “Khách hàng của chúng ta ở đâu?”: Chẳng hạn khách hàng của bạn tập trung vào khu thành phố, thì nhà kho phải đặt ở gần nội đô để có thể giao hàng nhanh.

– “Khách hàng của chúng ta thích giao hàng như thế nào?”: Khách hàng thích giao hàng qua đêm, hay giao ngay lập tức trong 2 giờ, hay thoải mái trong vòng 7 ngày…

Ngoài ra, để giải quyết sự cố hoàn hàng, sự cố giao hàng sai thì bộ phận tiếp thị, bán hàng phải làm việc rất chặt chẽ với bộ phận kho. Ví dụ: Tỉ lệ hoàn hàng là 3%, tỉ lệ giao sai hàng là 1%. Những con số thống kê này giúp các bộ phận nắm được tình hình và cùng tìm ra cách giải quyết các vấn để để giảm tỷ lệ hoàn hàng hay giao hàng sai.

dinh nghia vai tro content abcdigi marketing 1

Vận hành yếu có thể dẫn đến sập cả hệ thống

Ở các doanh nghiệp bán lẻ với quy mô lớn thì khâu vận hành chiếm vai trò vô cùng quan trọng. 

Ví dụ: vận chuyển đơn hàng từ HCM đi Hà Nội với chi phí 40K. Trường hợp khách không nhận hàng buộc đơn hàng phải hoàn về kho thì doanh nghiệp phải mất thêm đến 50% chi phí vận chuyển. Qua đó chúng ta thấy chưa cần biết giá trị đơn hàng ra sao chúng ta đã mất 60K tiền vận chuyển. 

Do đó nếu vận hành không tốt làm cho các trường hợp giao sai sản phẩm về mẫu mã, size, hư hại sản phẩm, và các chi phí vận hành khác với số lượng lớn có thể dẫn đến chi phí quá lớn khiến sập cả hệ thống.

Lời kết

Trên đây là định nghĩa và vai trò của Marketing (Tiếp Thị) trong doanh nghiệp, mong rằng các kiến thức được nêu trên sẽ phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về Marketing để biết được rằng nó xuất hiện ở hầu hết toàn bộ các khâu trong kinh doanh chứ không chỉ đơn giản là quảng cáo hoặc xây dựng nội dung.

Những câu hỏi thường gặp

1. Marketing là gì?

Marketing (tiếp thị) là một quá trình mà ở đó Doanh nghiệp tương tác và xây dựng một mối quan hệ vững mạnh với khách hàng, sau đó tạo ra giá trị cho họ và cuối cùng chúng ta mới thu lại giá trị khác từ khách hàng.

2. Vai trò chức năng của Marketing

  • Tìm ra nhu cầu của người tiêu dùng – Identify needs of the consumer
  • Lập kế hoạch và phát triển sản phẩm – Planning and product development
  • Chuẩn hóa sản phẩm – Standardisation and grading
  • Quy chuẩn đóng gói và nhãn mác sản phẩm – Packing and Labelling
  • Định vị thương hiệu – Branding and Customer service
  • Định giá sản phẩm và xúc tiến thương mại – Pricing and Promotion
  • Hỗ trợ phát triển kênh phân phối – Distribution
  • Vận chuyển và kho bãi – Transportation and warehousing
Bài viết này có hữu ích với bạn không? Hãy cho tôi biết đánh giá của bạn nhé!
[Tổng: 3 Trung bình: 5]

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *