Khởi Nghiệp Thất Bại 5 & 6: Lâu Đài Cát – Rẻ Thôi Chưa Đủ

bởi | 03/01/2022 | Khởi Nghiệp Thất Bại, Tâm Sự


Đây là bài viết thứ 5 và 6 trong Chuỗi bài Khởi Nghiệp Thất Bại, chuỗi bài này chia sẻ những trải nghiệm thất bại, sai lầm của tôi – Đức Ngộ Không trong việc kinh doanh và làm digital marketing.

Ngoài các câu chuyện của bản thân mình, tôi cũng sẽ chia sẻ thêm những câu chuyện của các anh chị em chiến hữu khác để giúp bạn đọc có nhiều góc nhìn về kinh doanh và marketing.

Khởi Nghiệp Thất Bại được tạo ra để giúp các bạn trẻ rằng biết Khởi Nghiệp, Kinh Doanh không màu hồng như trên sách báo, và giúp các marketer mới vào nghề có thêm góc nhìn về các kênh marketing.

Mỗi tuần sẽ có 2 bài vào sáng Thứ 4 và Thứ 7 trên profile Facebook cá nhân của tôi, và sẽ được đăng lại trên web abcdigi.marketing vào thứ Hai tuần kế tiếp.

Kỳ 5: Lâu Đài Cát

Một người bạn của Ngộ Không 2 năm trước kinh doanh trên FB rất tốt. Anh ấy chủ yếu bán hàng qua livestream. Hàng fake và giá rất rẻ. Một ngày live 1 lần có thể bán vài trăm đơn.

Sau đó anh ấy mở rộng thêm các mặt hàng khác, cũng là hàng fake và giá rẻ. Anh vay ngân hàng, mở một kho riêng với 10 nhân sự.

Lần đó anh ấy gọi tôi về làm chung và khoe mới nhập lô hàng gần 5 tỷ, ngon bổ rẻ, bán xong lô này đủ tiền mua nhà phố. Tôi từ chối.

Rồi một ngày đẹp trời, FB ra chính sách mới, siết các hoạt động livestream và trảm các Fanpage và profile bán hàng fake.

Livestream không còn hiện trên newsfeed, share các hội nhóm cũng không ăn thua. 5 fanpage lớn anh xây dựng trong 2 năm bị trảm. Doanh số giảm gần 70%.

Lần ấy anh có gọi cho tôi hỏi có cách nào cứu vãn không? Tôi nói bó tay rồi. Lâu đài trên cát của anh đã bị sóng đánh cho tan vỡ.

Lô hàng 5 tỷ mới về, kho mới xây mà không ra hàng được. Anh khủng hoảng thực sự. Sau đó hình như anh bán tống bán tháo cho các tiểu thương ở chợ. Chịu lỗ đâu đó gần 1 tỷ. Coi như công sức mấy năm livestream trở về 0.

lau dai cat khoi nghiep that bai.acbdigi

Lâu đài cát dù to đến mấy cũng tan nát dưới 1 vài cơn sóng.

Anh ấy đã mắc phải những sai lầm sau:

1. Đã chỉ xây dựng 1 kênh bán hàng duy nhất (FB), mà lại còn vi phạm chính sách của nó (bán hàng Fake)

2. Nhập hàng lậu, hàng fake về số lượng lớn, trước sau gì cũng bị nắm đầu. Càng làm lớn càng dễ tèo.

3. Sử dụng chiến lược giá siêu rẻ, nên khi không livestream được, cũng không thể chạy các kênh marketing khác vì biên lợi nhuận quá thấp.

Đây là mô hình kinh doanh có quá nhiều rủi ro để mở rộng. Hơn thế nữa, rủi ro nào cũng có thể mang tới đòn chí tử. Giống như xây lâu đài cát trên bờ biển. Sóng biến quét nhẹ một cái là tan nát lâu đài cát, dù có xây to đến đâu đi nữa.

Mình thấy nhiều bạn mới kinh doanh cũng hay đi con đường giống người anh bên trên. Vì nó có vẻ dễ ra tiền nhất. Làm nho nhỏ thì có thể ok, nhưng mà mở rộng ra là đột tử lúc nào không hay.

Bài học rút ra:

1. Nếu đã phụ thuộc vào 1 kênh bán hàng, thì hãy cố gắng chơi theo luật của kênh đó.

2. Nếu muốn mở rộng quy mô thì phải có phương án dự phòng cho trường hợp kênh bán hàng chính của mình sụp đổ.

3. Chiến lược giá rẻ là lựa chọn tồi cho doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp. Vì biên lợi nhuận quá thấp dẫn đến không có nhiều lựa chọn cho marketing. Chiến lược này chỉ phù hợp với mấy tay to muốn chiếm thị phần nhanh chóng, và họ đã có sẵn kế hoạch tăng giá sau này.

Khởi nghiệp nên tập trung vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ, chứ không phải giá.

Kỳ 6: Rẻ Thôi Chưa Đủ

Dịp Tết cách đây 2 năm, Ngộ Không thử chạy chiến dịch bán Túi Mèo May Mắn (hình bên dưới). Con mèo được làm bằng 0.2 gam vàng 9999, giá bán lẻ thị trường khoảng 700-800k. Vì tôi có nguồn hàng gốc nên giá nhập về rất tốt. Từ đó, tôi nghĩ rằng bán giá rẻ hơn thị trường thì sẽ thắng chắc.

tui meo may man khoi nghiep that bai abcdigi

Chính xác là giá bán ra của tôi chỉ bằng 60%-70% giá mà các tiệm vàng và tiệm trang sức họ bán. Trong đó đã gồm chi phí quảng cáo dự kiến. Và tôi có cả chính sách mua lại theo giá vàng tại thời điểm thu lại sản phẩm.

Nói chung, mọi thứ đều có vẻ rất ổn. Team làm hình ảnh, video các kiểu và chạy Facebook ads rầm rộ.

Thế nhưng khi chạy thực tế thì hoàn toàn khác. Khách hỏi hàng nhiều nhưng lượng mua không đủ bù lỗ. Khách muốn đến tiệm xem trực tiếp, nhưng tôi làm gì có tiệm mà cho khách tới.

Rồi tôi nghĩ có lẽ mình bán rẻ quá người ta nghĩ là vàng giả nên không mua. Thế là tôi nâng giá lên bằng với giá ở các tiệm vàng, rẻ hơn vài chục nghìn. Nhưng vẫn không bán được hàng.

Rồi tôi nhận ra rằng với mặt hàng về kim loại quý và đá quý thì niềm tin là vấn đề quan trọng nhất. Nếu như mình có 1 của tiệm vàng, một tiệm bán đồ trang sức (bằng bạc cũng được) thì việc bán mặt hàng này sẽ dễ hơn rất nhiều vì người ta tin tưởng hơn.

Còn đây, tôi không có một cơ sở nào ngoài lời hứa ghi trên Fanpage thì làm sao khách hàng dám tin sản phẩm này làm bằng vàng thật. Trong khi trên Shopee, hàng giả nhìn y chang 90% có giá bằng 5% hàng thật.

Bài học rút ra:

Với những sản phẩm đặc thù như kim loại quý, đá quý, hoặc các loại sản phẩm có thể bị làm giả dễ dàng với ngoại hình y chang hàng thật, thì vấn đề niềm tin mới là yếu tố quyết định khả năng bán hàng.

Làm sao chúng ta có thể thuyết phục khách hàng rằng đây là sản phẩm xịn mới là vấn đề, chứ không không phải là giá bán cao hay thấp.

Bài viết này có hữu ích với bạn không? Hãy cho tôi biết đánh giá của bạn nhé!
[Tổng: 4 Trung bình: 5]

Nhận Thông Báo Nội Dung Mới 

ABC Digi xuất bản nội dung mới hàng tuần, chúng tôi sẽ cập nhật cho bạn qua email 1 lần/tuần. Hoàn toàn miễn phí. Hãy điền thông tin để nhận thông báo.

Nếu bạn bất kỳ câu hỏi hay góp ý nào, bạn hãy bình luận bên dưới, hoặc bạn có thể vào Group FB Cộng Đồng ABC Digi để hỏi đáp & thảo luận các vấn đề về Digital Marketing.

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Loading...