Khởi Nghiệp Thất Bại 3 & 4: Rút Vốn – Hư Danh

bởi | 27/12/2021 | Khởi Nghiệp Thất Bại, Tâm Sự


Đây là bài viết thứ 3 và 4 trong Chuỗi bài Khởi Nghiệp Thất Bại, chuỗi bài này chia sẻ những trải nghiệm thất bại, sai lầm của tôi – Đức Ngộ Không trong việc kinh doanh và làm digital marketing.

Ngoài các câu chuyện của bản thân mình, tôi cũng sẽ chia sẻ thêm những câu chuyện của các anh chị em chiến hữu khác để giúp bạn đọc có nhiều góc nhìn về kinh doanh và marketing.

Khởi Nghiệp Thất Bại được tạo ra để giúp các bạn trẻ rằng biết Khởi Nghiệp, Kinh Doanh không màu hồng như trên sách báo, và giúp các marketer mới vào nghề có thêm góc nhìn về các kênh marketing.

Mỗi tuần sẽ có 2 bài vào sáng Thứ 4 và Thứ 7 trên profile Facebook cá nhân của tôi, và sẽ được đăng lại trên web abcdigi.marketing vào thứ Hai tuần kế tiếp.

Kỳ 3: Rút Vốn

Tôi từng rơi vào trạng thái khủng khoảng khi mà trong 3 ngày có tới 2 cổ đông rút vốn và 1 khách hàng khất thanh toán. Giống như bị ăn liên hoàn cước.

Việc khách hàng khất thanh toán thì mình sẽ nói trong bài khác. Còn việc cổ đông rút vốn thì nằm ở vấn đề mập mờ, không rõ ràng ngay từ lúc đầu.

Vì thường khi mới khởi nghiệp, các cổ đông sẽ là những người quen, là bạn thân cùng góp vốn vào làm. Nên sẽ tin tưởng nhau là chính mà không có điều khoản rằng buộc. Vì thế khi họ có vấn đề gì, họ cũng sẽ rút vốn thoải mái, từ đó khiến cho doanh nghiệp lao đao vì mất thanh khoản.

Và vì không có điều khoản rằng buộc ngay từ đầu, nên mình có muốn thuyết phục họ không rút vốn cũng khó.

Bài học rút ra:

Nếu bạn có góp vốn cùng ai để khởi nghiệp kinh doanh, thì các bên phải cam kết sẽ không rút vốn trong thời gian bao lâu, ví dụ 2 năm chẳng hạn. Hoặc nếu rút trước thời hạn thì chỉ được rút tối đa bao nhiêu %.

Khởi nghiệp thường đã khó khăn về dòng tiền, nay lại bị rút vốn thì như dính thêm đòn chí tử. Mà tình trạng này mình thầy nhiều chiến hữu cũng bị, chứng tỏ nó là sai lầm thường gặp của những người khởi nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm. Mong rằng bạn có thể tránh được sai lầm này.

Kỳ 4: Hư Danh

Vài năm gần đây, khởi nghiệp là một xu thế. Người người thi nhau khởi nghiệp kinh doanh. Đài báo cũng thường xuyên đưa tin về những doanh chủ thành công. Nhiều bạn trẻ bị ánh hào quang của khởi nghiệp hấp dẫn.

Nhiều người dấn thân vào con đường khởi nghiệp chỉ vì nghĩ đây đang là xu hướng, người người khởi nghiệp thì mình cũng khởi nghiệp.

Nhiều người khác lại khởi nghiệp vì cái hư danh “chủ doanh nghiệp”.

Sẽ rất nhanh thôi, đâu đó khoảng 6 tháng, bạn sẽ thấy cái hư danh “chủ doanh nghiệp” nó chẵng có giá trị gì đâu. Nó sẽ trở thành gánh nặng cho bạn và hàng đêm bạn sẽ mất ngủ vì nó.

Khởi nghiệp phải bắt nguồn từ khao khát mang lại giá trị cho xã hội, tức là giúp xã hội giải quyết một vấn đề thực sự nào đó, chứ không phải là để thỏa mãn cái tôi cá nhân.

Nếu mục đích ban đầu là sai lầm, thì những bước tiếp theo cũng sẽ là sai lầm. Các chuỗi sai lầm kéo dài sẽ dẫn đến phá sản. Tiền mất tật mang, tốn thời gian, tiền bạc, cả tuổi thanh xuân (nếu không biết dừng lại sớm) và có khi còn là các mối quan hệ quý giá.

Tôi hay trò chuyện với các bạn trẻ mới khởi nghiệp. Khi hỏi tại sao lại khởi nghiệp. Các bạn thường trả lời vòng vo không có mục đích rõ ràng. Nhưng với cảm nhận cá nhân, tôi thấy rằng nhiều bạn khởi nghiệp chỉ vì cái hư danh hay chạy theo xu hướng.

Rất ít bạn nào có thể nói ngắn gọn “em khởi nghiệp vì tin rằng dịch vụ/sản phẩm của mình sẽ giải quyết vấn đề ABC nào đó”. Có thể sp/dv của các bạn ấy chưa hẳn đã giải quyết được vấn đề đó, nhưng ít ra các bạn ấy đã có lý do khởi nghiệp đúng đắn.

Tôi cũng từng vì cái hư danh đó đeo đuổi. Nói mình là người kinh doanh, chủ doanh nghiệp, giám đốc, founder này nọ cũng oách lắm chứ. Và cũng mất khá nhiều thời gian, hơn 3 năm (không giỏi gì, chỉ gỏi lỳ), tôi mới tìm ra lý do chính đáng để khởi nghiệp.

Khi đã có lý do chính đáng rồi, thì những danh nghĩa trên tự nhiên không còn giá trị. Vì mình biết giá trị thực sự của khởi nghiệp không nằm ở đó.

Bài học rút ra:

Khởi nghiệp không hề dễ dàng chút nào. Sẽ có rất nhiều khó khăn, thất bại. Nếu không có lý do mạnh mẽ và chính đáng từ đầu, chúng ta sẽ rất nhanh nản.

Vì thế, trước khi khởi nghiệp, chúng ta cần tự hỏi bản thân nhiều lần “mục đích khởi nghiệp là gì?” “Bạn thực sự làm gì điều gì?“. Với những người có tuổi và từng trải thì thường có mục đích rõ ràng, thực tế. Nhưng với những bạn trẻ đôi mươi, cái tôi quá lớn trong khi trải nghiệm cuộc sống quá ít, thì dễ bị những thứ như hư danh thúc đẩy. Các bạn cần phải bình tĩnh suy xét lại và trả lời thực tâm với bản thân mình.

Bài viết này có hữu ích với bạn không? Hãy cho tôi biết đánh giá của bạn nhé!
[Tổng: 5 Trung bình: 5]

Nhận Thông Báo Nội Dung Mới 

ABC Digi xuất bản nội dung mới hàng tuần, chúng tôi sẽ cập nhật cho bạn qua email 1 lần/tuần. Hoàn toàn miễn phí. Hãy điền thông tin để nhận thông báo.

Nếu bạn bất kỳ câu hỏi hay góp ý nào, bạn hãy bình luận bên dưới, hoặc bạn có thể vào Group FB Cộng Đồng ABC Digi để hỏi đáp & thảo luận các vấn đề về Digital Marketing.

3 Lời bình

  1. Đỗ Long

    Bài viết của anh rất ý nghĩa. Cảm ơn anh chia sẻ kinh nghiệm quý giá.
    Khởi nghiệp thật sự khó nhưng không bỏ cuộc, em đang trên con đường đó và thật sự nó không dễ cho những người mới. Em khởi nghiệp sau 12 năm làm công tỷ với vị trí, quyền lợi rất ổn. Nhưng lựa đó ra đi vì thấy mình không thể phát triển bản thân và công việc nếu cứ ổn mãi.

    Cái khó khi khởi nghiệp bước ra ngoài với thị trường rộng lớn em bị ngợp khó trong việc xác định thị trường , ai là nhóm người sẽ phục vụ.

    Rất mong anh tư vấn về câch xác định thị trường mục tiêu. Em đọc trên các blog và đa phần viết lý thuyết chung chung với người mới tìm hiểu thị trường thì khó có thể trả lời chính xác các câu hỏi và lập kế hoạch nội dung đúng mục tiêu hướng đến.

    Cảm ơn anh.
    Độc giả thường theo dõi blog.

    Hồi đáp
    • Nguyễn Hoàng Đức

      Cảm ơn Long nhé! Về xác định thị trường mục tiêu, mình sẽ viết một bài chia sẻ sau nhé. Đây là 1 chủ đề khá phức tạp, mình cũng muốn viết lâu rồi, nhưng chưa tìm ra cách diễn đạt sao cho đơn giản dễ hiểu nhất.

      Hồi đáp
    • Nguyễn Hoàng Đức

      Tìm thị trường mục tiêu là một môn khoa học, kết hợp kiến thức và khả năng nhạy cảm đánh giá của từng người. Nên rất khó để viết trong 1 trả lời hay 1 bài viết.

      Hồi đáp

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Loading...